Hiện nay, tỷ lệ số người nghiện ma túy ngày càng tăng. Như vậy, pháp luật áp dụng biện pháp can thiệp giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra như thế nào?
Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Phòng chống ma túy 2022 như sau: “Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là biện pháp làm giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.”
Như vậy, nhằm làm giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng, pháp luật đã áp dụng biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy.
Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được can thiệp giảm tác hại bằng những biện pháp nào?
Theo khoản 2 Điều 41 Luật Phòng chống ma túy 2022 có quy định các biện can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy như sau:
- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
- Các biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được giảm thiểu tác hại bằng những biện pháp theo quy định nêu trên
Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xác định tình trạng nghiện ma túy trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Luật Phòng chống ma túy 2022 có quy định các trường hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy như sau:
- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;
- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.
Như vậy, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xác định tình trạng nghiện ma túy trong trường hợp nên trên. Theo đó, tùy từng trường hợp mà Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện thủ tục lập hồ sơ đề nghị cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp nào?
Theo Điều 12 Luật Phòng chống ma túy 2022 có quy định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật.
Từ những căn cứ nêu trên, người nào sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.