Tại Khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định kỳ hạn trả lương như sau:
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Theo Khoản 2 và 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định tạm ứng tiền lương như sau:
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định tạm đình chỉ công việc như sau:
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Tại Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định tạm ứng tiền lương như sau:
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định có 04 trường hợp bắt buộc phải tạm ứng lương cho người lao động khi người lao động có nhu cầu, người sử dụng lao động mà từ chối thì vi phạm pháp luật.
Còn những trường hợp tạm ứng lương còn lại dựa trên sự thỏa thuận nên là người sử dụng lao động có từ chối cho người lao động tạm ứng lương thì cũng không bị vi phạm.