Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong tất cả các hình phạt đối với người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy thi hành án tử hình với người nước ngoài khác với thi hành án tử hình với công dân Việt Nam thế nào?
Tử hình là gì?
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.
Cụ thể, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. (Theo khoản 4 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017))
Thi hành án tử hình là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình.
Căn cứ khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:
Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.
Như vậy, hiện nay Việt Nam chỉ có một hình thức thi hành án tử hình duy nhất bằng tiêm thuốc độc.
Xem thêm bài viết liên quan: Hiện nay Việt Nam đang áp dụng hình thức tử hình nào?
Thi hành án tử hình đối với người nước ngoài thế nào?
Thủ tục thi hành án tử hình được quy định tại Chương IV Luật hành án 2019. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình.
Khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Viện trưởng VKSND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.
Ngoài những quy định trên thì pháp luật Việt Nam có những quy định riêng biệt trong việc thi hành án tử hình đối với người nước ngoài.
Đối với thủ tục nhận tử thi, tro cốt và hài cốt, tại Điều 13 Thông tư liên tịch 02/2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế - Bộ Ngoại giao - TANDTC - VKSNDTC quy định:
Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt.
Sau khi Chánh án Tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.
Bên cạnh đó, tại Điều 83 Luật Thi hành án Hình sự 2019 quy định:
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện của người bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi.
Đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch và phải được dịch sang tiếng Việt.
Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổ chức việc mai táng người bị thi hành án tử hình thì sau 3 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện của người đã bị thi hành án được làm đơn đề nghị nhận hài cốt; đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt.
Xem thêm bài viết liên quan: Hiện nay Việt Nam đang áp dụng hình thức tử hình nào?