Bảo hiểm xe máy hay còn được gọi là bảo hiểm trách nhiệm dân sự và cũng là loại bảo hiểm phổ biến nhất đối với những người điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng đối với người đi cùng xe thì có phải mua bảo hiểm xe hay không?
Đây cũng là điều thắc mắc của nhiều người vì trong trường hợp không mong muốn có xảy ra thì bảo hiểm sẽ giúp chúng ta phần nhiều trong việc chi trả các thiệt hại.
1. Có bao nhiêu loại bảo hiểm xe máy
Pháp luật hiện hành có quy định về các trường hợp khi tham gia giao thông thì người điều khiển là chủ phương tiện giao thông phải tham gia bảo hiểm xe. Hiện nay, có 02 loại bảo hiểm xe máy.
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bắt buộc):
Đây là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải có khi tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe).
Đồng thời người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.
- Bảo hiểm xe tự nguyện (không bắt buộc):
Đây là loại bảo hiểm không bắt buộc người tham gia phải mua. Tuy nhiên, người tham gia giao thông có thể mua thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc tham gia bảo hiểm, ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm.
Thì chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Thời hạn và hiệu lực của bảo hiểm xe máy
Người mua bảo hiểm xe cần chú ý một lỗi dễ mắc phải nhất khi sử dụng bảo hiểm xe đó chính là thường xuyên quên gia hạn bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm mới khi hết hiệu lực bảo đảm cho người mua. Cụ thể, Điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định thời hạn và hiệu lực bảo hiểm như sau:
(1) Thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm cụ thể:
Đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự thời hạn Bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.
Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.
Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm: Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Việt Nam dưới 1 năm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.
Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm Bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó.
Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với các hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi được đưa về cùng thời điểm thực hiện theo các quy định nêu trên.
(2) Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
(3) Chuyển quyền sở hữu xe cơ giới khi bảo hiểm còn hiệu lực:
Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới, mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.
3. Mức trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm xe máy
Điều mà mọi người quan tâm là khi xảy ra tai nạn thì bảo hiểm xe máy có thể chi trả bao nhiêu cho trường hợp phải bồi thường. Thì tại Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC có quy định cụ thể mức trách nhiệm bảo hiểm như sau:
- Mức bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng:
Do xe cơ giới gây ra là một trăm năm mươi (150) triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
- Mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản:
Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là năm mươi (50) triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 gây ra là một trăm (100) triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Như vậy, người đi cùng xe đối với người điều khiển xe máy không bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy mà đối tượng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự phải là chủ điều khiển phương tiện xe cơ giới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của chính mình thì người đi cùng có thể mua bảo hiểm tự nguyện.