Tình huống đặt ra là hai vợ chồng có 2 người con 15 tuổi và 17 tuổi. Người chồng chết không để lại di chúc. Vậy người vợ có thể khai nhận di sản thừa kế, đại diện cho 2 người con để lại di sản hết cho mình hay không?
Liên quan đến vấn đề này thì theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật dân sự 2015 có nêu rõ rằng “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Theo đó, việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, quyết định di sản là bất động sản thì 2 người con không thể tự mình quyết định được mà sẽ thông qua người đại diện của mình là người mẹ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định:
Điều 141. Phạm vi đại diện
…
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ quy định trên, trong quá trình đại diện cho 2 người con, người mẹ không thể tự mình quyết định phần di sản của người con được tặng, cho người mẹ. Nếu làm như vậy thì vô hình chung người mẹ đang tự giao dịch với chính mình.
Vì các lí do trên, trong trường hợp khai nhận di sản thừa kế, người mẹ chỉ có thể đại diện cho con để làm thủ tục khai nhận 2 người con là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng di sản mà thôi. Cũng nên lưu ý xem thử còn các trường hợp nào khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất thuộc diện được hưởng thừa kế hay không. Nếu chỉ còn người mẹ và 2 người con thì sẽ phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản chung cho cả ba người. Lúc này, di sản thừa kế sẽ là tài sản chung của 3 người. Việc cấp giấy riêng cho người mẹ sẽ vi phạm và không đáp ứng các quy định đã dẫn chiếu nêu trên.