Người mất tích có được hưởng thừa kế không?

Chủ đề   RSS   
  • #616161 09/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 25600
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 516 lần


    Người mất tích có được hưởng thừa kế không?

    Khi nào một người bị tuyên mất tích? Người mất tích nhiều năm có được tuyên bố là đã chết không? Mất tích có được hưởng thừa kế không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Khi nào một người bị tuyên mất tích?

    Căn cứ khoản 1 Điều 68 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về tuyên bố mất tích như sau:

    1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

    Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

    Theo đó, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

    (2) Người mất tích nhiều năm có được tuyên bố là đã chết không?

    Căn cứ Điều 71 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về tuyên bố một người là đã chết như sau:

    “1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

    a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

    b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

    c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

    d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”

    Theo đó, hiện nay, có tất cả là 04 căn cứ để ra quyết định tuyên bố một người là đã chết như sau: 

    - Sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. 

    - Biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc. 

    - Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 2 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai chấm dứt vẫn không có tin tức. 

    - Biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ Luật Dân sự 2015.

    Như vậy, việc xác định thời gian mất tích để tuyên bố đã chết phụ thuộc vào các trường hợp như đã nêu trên. Tức thời hạn có thể là 3 năm kể từ ngày Tòa án trước đó ra quyết định tuyên bố mất tích hoặc 02 năm kể từ tai nạn hoặc 5 năm liên tục mà không có thông tin xác thực nào về việc người đó còn sống.

    (3) Người mất tích có được hưởng thừa kế không?

    Căn cứ Điều 613 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Đồng thời, như đã có nêu tại mục (2) thì một người bị Tòa án tuyên bố mất tích vẫn được xác định là còn sống cho tới khi bị Tòa án tuyên bố đã chết sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực.

    Theo đó, người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì vẫn được xem như là còn sống và có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

     
    93 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận