Giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Vậy, người mất năng lực hành vi dân sự thì có loại giấy tờ này không?
Giấy tờ tùy thân là gì?
Mặc dù “giấy tờ tùy thân” được sử dụng phổ biến hiện nay, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể giấy tờ tùy thân là gì. Một số văn bản có quy định cụ thể một số loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không liệt kê giấy tờ tùy thân bao gồm những gì.
Có thể hiểu, giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Tùy theo từng trường hợp và từng lĩnh vực mà giấy tờ tùy thân có thể là các loại giấy tờ khác, nhưng 03 loại giấy tờ tùy thân chung nhất vẫn là: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.
Người mất năng lực hành vi dân sự có được cấp giấy tờ tùy thân hay không?
(1) Chứng minh nhân dân
Điểm 2 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định, đối tượng tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân bao gồm những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân họ bao gồm người bị bệnh đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế khác. Những người tuy không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi thì cũng tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân.
Trường hợp này sau khi khỏi bệnh tâm thần, công dân mới có thể đem các giấy tờ có liên quan đến Công an cấp huyện làm các thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.
(2) Hộ chiếu
Tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, khoản 3 Điều 5 nêu rõ người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Quyền:
+ Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;
+ Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử;
+ Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;
+ Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác;
+ Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật;
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ:
+ Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài;
+ Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;
+ Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
Chính vì thế, người mất năng lực hành vi dân sự vẫn có thể được cấp Hộ chiếu thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện thủ tục này.
(3) Căn cước công dân
Tương tự với Hộ chiếu, khoản 3 Điều 5 Luật Căn cước công dân 2014 cũng cho phép Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 5:
- Công dân có quyền sau đây:
+ Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định;
+ Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật;
+ Được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014;
+ Sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Công dân có nghĩa vụ sau đây:
+ Chấp hành quy định của Luật Căn cước công dân 2014 và pháp luật có liên quan;
+ Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014;
+ Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014 và pháp luật có liên quan;
+ Xuất trình thẻ Căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;
+ Bảo quản, giữ gìn thẻ Căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;
+ Nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy người mất năng lực hành vi dân sự thì tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân, tuy nhiên vẫn có thể xin cấp Hộ chiếu và Căn cước công dân thông qua người đại diện hợp pháp của mình.
Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự vẫn có thể được cấp giấy tờ tùy thân.