Trong thời gian nửa cuối năm 2022 nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp đồng loạt cắt giảm nhiều nhân sự cũng như tạm hoãn hợp đồng với nhiều lao động. Nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang bị khủng hoảng, mặt khác các doanh nghiệp tại Việt Nam lại quá phụ thuộc vào các đơn hàng xuất khẩu vì thế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Kéo theo đó là việc thiếu đơn hàng sẽ không có việc cho nhân công làm. Đối với những lao động cao tuổi hoặc không đủ tiêu chí sẽ được cho nghỉ việc, phần còn lại sẽ được tạm hoãn hợp đồng cho đến khi có hàng trở lại.
Tuy nhiên, hình thức tạm hoãn hợp đồng bên cạnh mặt lợi là sẽ đảm bảo một vị trí chính thức khi doanh nghiệp trở lại thì cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn cho cả doanh nghiệp cũng như người lao động trong thời gian tạm hoãn.
Tạm hoãn hợp đồng được hiểu thế nào?
Hiện nay, chưa có văn bản giải thích rõ tạm hoãn hợp đồng là gì. Dù vậy, có thể hiểu hình thức tạm hoãn hợp đồng lao động là việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) tạm ngưng công việc theo hợp đồng trong một thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian đó, NLĐ sẽ trở lại làm việc bình thường.
Căn cứ Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp sau đây được xem là tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
- NLĐ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
- NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
- NLĐ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Lao động 2019.
- NLĐ được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.
- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
Những lưu ý khi NLĐ chấp nhận tạm hoãn hợp đồng
Trong trường hợp mà doanh nghiệp đưa ra đề nghị tạm hoãn hợp đồng lao động trong thời gian doanh nghiệp đang khó khăn nhưng vẫn muốn giữ chân NLĐ thì cần phải cân nhắc kỹ các vấn đề sau đây:
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động tức là sẽ ngừng việc cho đến khi doanh nghiệp có việc cho lao động trở lại. Tức là NLĐ sẽ chỉ nhận được lương khi có việc theo hợp đồng mà NLĐ đã ký.
(1) Phát sinh những khó khăn:
- Không nhận được lương và phụ cấp trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động. Qua đó, nếu tạm hoãn hợp đồng dài hạn thì lao động cần cân nhắc có nên ký và chờ đợi hay không và có trụ nổi đến thời gian đó không.
- Không được doanh nghiệp đóng BHXH và BHYT. Đây là một vấn đề không kém quan trọng về tiền lương, trong trường hợp tạm hoãn việc đóng các loại bảo hiểm thì NLĐ sẽ không được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định thông thường trong trường hợp thất nghiệp không thể nhận trợ cấp cũng như ốm đau bệnh tật không được hỗ trợ từ BHYT.
- Không nhận được trợ cấp thất nghiệp, vì vẫn còn trách nhiệm với công ty cũ qua đó không thể xem là thất nghiệp vì hợp đồng chỉ đang tạm hoãn.
- NLĐ không được tìm việc mới, do vẫn còn trách nhiệm ràng buộc do hợp đồng lao động cũ vì thế các doanh nghiệp khác sẽ không thể nhận các nhân công đang tạm hoãn hợp đồng vào làm. Kể cả việc làm thời vụ, vì nếu nhận vào mà công ty cũ trở lại làm thì họ sẽ đồng loạt nghỉ việc.
- Nếu chấm dứt hợp đồng nhân công làm tại doanh nghiệp mới sẽ trở về mức lương ban đầu mà không tính thâm niên ở công ty cũ. Ngoài ra, sẽ không được trả lương và lương tháng 13, thưởng tết.
(2) Ưu điểm của tạm hoãn hợp đồng
- Khi tạm hoãn hợp đồng lao động thì NLĐ sẽ được đảm bảo một suất trở lại làm việc khi doanh nghiệp hoạt động lại bình thường.
- Được giữ nguyên mức lương cũ đối với lao động có thâm niên cao, đây chắc hẳn là vấn đề giữ chân nhiều lao động bởi vì như đã nói trước đó nếu làm tại doanh nghiệp khác mức lương khởi điểm sẽ như lao động mới.
- Được đóng BHXH, BHYT và các loại phụ cấp.
- Doanh nghiệp trả thưởng tết và lương tháng 13 cho NLĐ nào đồng ý cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nói tóm lại việc lựa chọn ở lại và chấp nhận tạm hoãn hợp đồng hay không tùy thuộc vào NLĐ nếu là lao động cao tuổi có thâm niên nhiều năm với mức lương phù hợp hoặc không thể tiếp tục làm việc khác thì có thể chấp nhận tạm hoãn hợp đồng.
Trường hợp nếu là lao động có tuổi nghề thấp và mới vào làm việc thì NLĐ nên chấm dứt hợp đồng lao động để tìm việc làm khác. Bởi vì không thể xác định được khi nào doanh nghiệp sẽ trở lại, ngoài ra nếu lao động chưa làm hết năm sẽ không đủ tiêu chí thưởng tết hoặc phụ cấp, trợ cấp thất nghiệp và nhiều vấn đề phát sinh nêu trên.
Những lưu ý cho doanh nghiệp nếu tạm hoãn hợp đồng
Không những NLĐ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều vì tạm hoãn hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cũng khốn đốn nếu bắt buộc lựa chọn hình thức này bởi nó cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện việc tuyển lại những người đã ký tạm hoãn trước đó.
Để giữ chân NLĐ thì doanh nghiệp phải đưa ra được số ngày tạm hoãn cụ thể đến NLĐ và một chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những lao động đồng ý tạm hoãn như tiền thưởng tết, lương tháng 13 sau tết. Thưởng bù đắp cho lao động cũ trở lại,...
Đối với những doanh nghiệp khác sẽ không thể thực hiện tuyển dụng đối với những lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động vì họ sợ nếu công ty cũ làm việc trở lại sẽ đồng loạt nghỉ làm.
Như vậy, trước khi đồng ý tạm hoãn hợp đồng lao động thì NLĐ cần cân nhắc các vấn đề trên nếu phù hợp với điều kiện của bản thân NLĐ thì có thể chấp nhận tạm hoãn và chờ doanh nghiệp trở lại làm việc.
Dù vậy, tạm hoãn hợp đồng lao động vẫn là một phương án khả dĩ cho doanh nghiệp nhằm giúp họ duy trì được nguồn vốn tránh bị phá sản và cũng giữ được liên lạc với những lao động hết lòng vì doanh nghiệp.
Theo đó, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ NLĐ đang bị thất nghiệp hoặc đang tạm hoãn hợp đồng vượt qua giai đoạn cuối năm 2022.