Cộng đồng những người làm nghề nhân sự vẫn đang thắc mắc, đặt câu hỏi cho Dân Luật rằng, liệu người lao động nước ngoài có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không, khi mà Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định rằng:
“Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.”
Đến đầu năm 2018, trong Giải đáp trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì có trả lời câu hỏi thắc mắc rằng, trong khi chờ Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn về BHXH cho người lao động nước ngoài thì người lao động nước ngoài không phải đóng BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, trong khi chờ Nghị định này được ban hành chính thức, mình xin cập nhật Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Một số nội dung đáng chú tại Dự thảo Nghị định này như sau:
5 chế độ hưởng BHXH bắt buộc
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp và tử tuất tương tự như đối với người lao động Việt Nam
Điểm khác biệt về chế độ thai sản và chế độ hưu trí đối với người lao động nước ngoài
Đối với chế độ thai sản:
- Điều kiện hưởng chế độ thai sản:
Người lao động nước ngoài được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Lao động nữ mang thai;
+ Lao động nữ sinh con;
+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Lưu ý, đối với trường hợp lao động nữ sinh con, nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Nữ lao động nước ngoài sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đối với chế độ hưu trí:
Người lao động nước ngoài nếu hết thời hạn của Giấy phép lao động mà không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không làm thủ tục để gia hạn giấy phép lao động, nếu có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chế độ BHXH đối với NLĐ đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam
- Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khi không còn cư trú tại Việt Nam và có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
Mức đóng và phương thức đóng BHXH hàng tháng
- Đối với người lao động: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Đối với người sử dụng lao động:
3% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động vào quỹ ốm đau và thai sản;
Tối đa bằng 1% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
14% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tiền lương tháng đóng BHXH
- Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
- Tiền lương tháng đóng BHXH bằng tiền đồng Việt Nam. Trường hợp người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng BHXH và ghi sổ bảo hiểm xã hội thì thực hiện như sau:
+ Tiền lương tháng đóng BHXH được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02/01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01/07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
+ Tiền lương tháng đóng BHXH ghi trong sổ BHXH là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính theo quy định nêu trên.