Người lao động có được tạm ứng lương để sắm Tết không?

Chủ đề   RSS   
  • #608585 03/02/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (374)
    Số điểm: 6871
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 143 lần


    Người lao động có được tạm ứng lương để sắm Tết không?

    Tết Nguyên đán cận kề làm nhu cầu sắm sửa của mọi người cũng gia tăng. Vậy người lao động được ứng lương trước Tết không? Có buộc phải ứng cho người lao động không? Vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao?

    (1) Người lao động có được ứng lương trước khi nghỉ Tết không?

    Tại Điều 101 Bộ Luật lao động 2019 có quy định về tạm ứng tiền lương như sau:

    “- Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

    - Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.” 

    Như vậy, việc người lao động muốn xin ứng lương để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, sắm sửa trước cho dịp Tết là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật. Ở thời điểm hiện tại, người sử dụng lao động và người lao động có thể thảo luận dựa trên ý chí của hai bên. Tuy nhiên, cũng có một sổ điểm cần lưu ý về mức tạm ứng lương được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 101 Bộ Luật lao động 2019 như sau: 

    - Tối đa là 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên; khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm.

    - Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì không được tạm ứng tiền lương.

    (2) Người sử dụng lao động có bắt buộc phải ứng lương cho người lao động không?

    Để đưa ra được câu trả lời chính xác cho thắc mắc nêu trên thì phải xem xét xem liệu người lao động có nằm trong những trường hợp như đã nêu tại mục (1) và các trường hợp khác dưới đây hay không.

    - Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm theo quy định tại Khoản 3 Điều 97 Bộ Luật lao động 2019.

    - Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 128 Bộ Luật lao động 2019.

    Như vậy, khi người lao động thuộc các trường hợp nêu trên hoặc những trường hợp được đề cập đến tại mục (1) thì người sử dụng lao động sẽ buộc phải tạm ứng lương cho người lao động khi có yêu cầu.

    (3) Người sử dụng lao động không thực hiện việc ứng lương thì bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt áp dụng cho người sử dụng lao động nếu có hành vi không tạm ứng, hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật như sau:

    - Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

    - Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

    - Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

    - Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

    - Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Để tổng kết lại, việc người lao động xin tạm ứng lương để phục vụ cho mục đích cá nhân hay sắm sửa Tết là hoàn toàn hợp lý. Đối với việc người sử dụng lao động có buộc phải ứng lương cho người lao động hay không thì còn phải xem xét xem người lao động có thỏa mãn các điều kiện như luật đã quy định hay không. Mức xử phạt dành cho người sử dụng lao động vi phạm việc này là từ 5.000.000 đồng và có thể lên đến 50.000.000 tùy vào vi phạm đối với bao nhiêu trường hợp.

     
    104 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận