Như ta được biết thì người lao động không bắt buộc tham gia công đoàn, mà việc tham gia công đoàn là quyền của mỗi người, vì công đoàn sẽ đại diện cho người lao động trong các tranh chấp, và bảo vệ quyền lợi ích của người lao động trước người sử dụng lao động cũng như trước cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, lý thuyết có sự mâu thuẩn và thực tế cũng như vậy.
- Người lao động có các quyền sau đây: Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động. Tuy nhiên lại có nghĩa vụ phải thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
- Trong khi đó thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Theo đó Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở ký kết.
Từ đó có thể thấy việc tham gia công đoàn không còn tự nguyện theo quyền trên mà gián tiếp ràng buộc người lao động phải tham gia. Mặc dù bản chất là tốt nhưng xét thấy không còn là quyền nữa mà là nghĩa vụ.