Vi phạm nồng độ cồn thường được xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi có hành vi điều khiển xe mà trong người vượt ngưỡng nồng độ cồn ở mức cho phép.
Vậy trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, thuyền viên mà sử dụng rượu, bia khi đang lái tàu thì có bị xử phạt nồng độ cồn hay không?
1. Lực lượng công an đẩy mạnh xử phạt nồng độ cồn giao thông đường thủy
Từ ngày 01/3 đến 11/4/2023 lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy toàn quốc đã phát hiện, xử lý 13 trường hợp người điều khiển và thuyền viên trên tàu, thuyền vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, đối với tàu chở hàng, lực lượng chức năng xử lý 09 trường hợp, với tàu chở khách là 04 trường hợp. Cá biệt, có những thuyền viên vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, cao hơn mức “kịch khung” được quy định hiện hành.
Đã có trường hợp chủ tàu điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm nồng độ cồn ở mức cao và bị xử phạt tiền từ 20 - 35 triệu đồng.
Nhận định của đại diện cơ quan Công an trên thực tế, nhiều người lái tàu thuyền, thuyền viên… tỏ ra chủ quan với hành vi sử dụng rượu bia rồi tham gia điều khiển, vận hành phương tiện thủy.
Tuy nhiên hành vi này là đặc biệt nguy hiểm, bởi các phương tiện thủy chở hàng hay chở khách trên sông, biển, khi xảy ra tai nạn giao thông sẽ rất nguy hiểm, hậu quả thiệt hại lớn.
“Nếu xảy ra sự cố, công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên sông nước sẽ rất khó khăn. Việc tai nạn với phương tiện thủy thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản”, đại diện Cục CSGT cho biết.
2. Mức phạt thuyền viên, người lái tàu vi phạm nồng độ cồn
Căn cứ khoản 3 Điều 21 Nghị định 139/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về trách nhiệm, điều kiện của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau:
- Phạt tiền từ 03 triệu đồng - 05 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng - 10 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.
Bên cạnh đó, còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng hoặc từ 02 tháng đến 04 tháng.
Ngoài ra, điểm đ khoản 2 Điều 40 Nghị định 139/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về hoa tiêu và dẫn luồng trên đường thủy nội địa
Phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi Hoa tiêu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở khi dẫn tàu.
Như vậy, việc người lái tàu, thuyền viên có trách nhiệm trên tàu mà sử dụng rượu bia thì sẽ bị xử phạt hành chính vì nồng độ cồn vượt mức cho phép, trường hợp kịch khung có thể bị phạt đến 35 triệu đồng.