Theo quy định của pháp luật, khi một người muốn khởi kiện một vụ án dân sự thì cần phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án. Tuy nhiên, nếu người khuyết tật là người khởi kiện thì có được ưu tiên miễn, giảm án phí dân sự không? Trường hợp nào được miễn tiền án phí dân sự?
1. Người khuyết tật có được miễn, giảm án phí khi đi kiện không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
- Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
- Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Theo đó, người khuyết tật thuộc vào một trong các đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, người khuyết tật khi đi khởi kiện sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho Tòa án. Ngoài ra, các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết 326 cũng được pháp luật ưu tiên miễn cho người khuyết tật (theo khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 326).
2. Trình tự, thủ tục đề nghị miễn, giảm án phí
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, thì người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết 326 phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
Theo đó, khi người khuyết tật có yêu cầu được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thì cần phải làm đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình là người khuyết tật.
Về trình tự, thủ tục đề nghị miễn, giảm án phí được quy định như sau:
Hồ sơ
- Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
+ Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
- Giấy xác nhận khuyết tật do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cấp.
Trình tự
Tại Điều 15 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí cụ thể như sau:
– Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.
– Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
– Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.
– Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
– Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.