Hiện nay, tình trạng học sinh cấp 2 (người dưới 16 tuổi) được gia đình cho phép sử dụng phương xe máy để phục vụ cho việc học. Đa phần các lỗi vi phạm chính là điều khiển phương tiện phân khối chưa đủ độ tuổi cho phép.
Phần khác do chưa được đào tạo qua các lớp học về lý thuyết cũng như kỹ năng vì vậy các đối tượng này còn hạn chế nhận thức về các quy định pháp luật về giao thông và dẫn đến vi phạm. Vậy trường hợp người chưa thành niên vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?
Khi nào xử phạt hành chính người dưới 16 tuổi?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính cũng bao gồm người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng có hành vi vi phạm hành chính do cố ý.
Như vậy, trường hợp được phép xử phạt người dưới 16 tuổi vi phạm hành chính chỉ thực hiện khi họ có hành vi cố ý và hiểu rõ hành vi của mình làm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
Hình thức xử lý đối với người dưới 16 tuổi
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.
Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Trường hợp không phạt tiền người chưa thành niên thì sẽ áp dụng Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về phạt cảnh cáo như sau:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Hình thức xử lý khác đối với người dưới 16 tuổi
Đối với người chưa thành niên Nhà nước có quy định xử lý vi phạm quan trọng về giáo dục người chưa đủ nhận thức về năng lực hành vi dân sự. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền khi xử lý người dưới 16 tuổi thì có thể thay thế xử lý vi phạm hành chính bằng các hình thức quy định tại Điều 138 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:
(1) Nhắc nhở
Đây là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:
- Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo.
- Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.
Cụ thể, nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ.
(2) Quản lý tại gia đình
Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật này khi có đủ các điều kiện sau:
- Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.
- Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này.
- Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.
Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.
Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp người chưa thành niên (người dưới 16 tuổi) vi phạm hành chính thì sẽ không bị phạt tiền nhưng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc gửi về cho gia đình quản lý. Trường hợp vi phạm có gây thiệt hại thì người quản lý hoặc cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường.