Người dưới 14 tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Vậy, nếu một người dưới 14 tuổi vi phạm hành chính thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý và bị xử phạt hành chính không?
(1) Xử phạt hành chính là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, có thể hiểu xử phạt hành chính là một biện pháp xử lý khi một người có hành vi vi phạm những điều pháp luật nghiêm cấm mà chưa phải là tội phạm và theo pháp luật hình sự.
Việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương trong xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đồng thời khuyến khích việc tuân thủ pháp luật.
(2) Người dưới 14 tuổi có bị xử phạt hành chính không?
Theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
- Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
- Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, đối tượng bị xử phạt hành chính có thể là cá nhân, tổ chức. Trong đó, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên, cụ thể:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Do đó, người chưa đủ 14 tuổi thì không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
(3) Người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật thì xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tương ứng như sau:
- Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015:
- Tội phạm rất nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà phạm các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
Việc áp dụng các biện pháp này nhằm bảo đảm giáo dục và cải tạo cho trẻ em, đồng thời ngăn chặn tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật.