Tình huống phát sinh là trải qua nhiều bước, theo yêu cầu của người được thi hành án thì đã tiến hành cưỡng chế thi hành án. Vậy khi phát sinh chi phí cho lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án thì ai sẽ chịu?
Trách nhiệm chịu chi phí cưỡng chế thi hành án
Liên quan vấn đề này, tại Khoản 1 Điều 73 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2022 do Văn phòng Quốc hội ban hành có quy định rõ người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 73 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2022;
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
- Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
- Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
Căn cứ theo các quy định trên, có thể thấy rằng đối với chi phí bồi dưỡng cho lực lương bảo vệ cưỡng chế thi hành án sẽ do người phải thi hành án chịu chứ không phải do người được thi hành án chịu.
Giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án khi cưỡng chế
- Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.
- Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
- Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
- Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74 và khoản 1, khoản 2 Điều 75 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2022 để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.
Theo đó, trong quá trình thi hành án và cưỡng chế thi hành án, tài sản thi hành có tranh chấp với bên thứ 3 hoặc trốn tránh nghĩa vụ thì dựa theo quy định trên để chấp hành viên và Tòa án xử lý.