Ngày 5/6/2023, Sở TT&TT TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT), tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn TP.HCM.
Sở TT&TT TP.HCM cho biết, theo kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023, UBND TP.HCM chỉ đạo phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ cung cấp dưới dạng trực tuyến. Để vận hành được dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước (CQNN) là yêu cầu bắt buộc.
(1) Đối tượng được cấp miễn phí chữ ký số
Hiện TP.HCM đã cấp chữ ký số cho 2 nhóm đối tượng là CQNN và người dân. Cụ thể:
- Đã cấp và ứng dụng chữ ký số của tổ chức cho hầu hết cơ quan Nhà nước trên địa bàn, phục vụ hệ thống thông tin văn bản của thành phố với 1.140 đơn vị liên thông. Đã cấp 11.160 chữ ký số cho tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.
Điều này giúp sẵn sàng thực hiện quy trình số hóa và ứng dụng chữ ký số của cán bộ công chức cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công toàn trình.
- Đối với công dân của TP.HCM, Sở TT&TT đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số cho người dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; đồng thời cũng sẽ phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số, Bộ TT&TT để triển khai thực hiện cấp chữ ký số cho người dân, nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận tham gia sử dụng dịch vụ trực tuyến hơn.
(2) Thời hạn sử dụng miễn phí
Theo đó, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, NEAC cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam cam kết sẽ đồng hành với Sở TT&TT TP.HCM để triển khai cung cấp sử dụng miễn phí chữ ký số với thời hạn một năm đối với người dân trên địa bàn thành phố.
(3) Thời gian cấp
Việc cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân sinh sống tại TP.HCM sẽ bắt đầu được tiến hành từ tháng 6/2023-6/2024. Chữ ký số sẽ được cấp trên hệ thống một cửa của UBND TP Thủ Đức, cùng 22 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Tham khảo: Chữ ký số là gì?
Chữ ký số được quy định là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng.
Theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
- Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa.
- Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
Chữ ký số được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP.
Điều kiện đảm bảo an toàn của chữ ký số
Đối với chữ ký số căn cứ Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về điều kiện đảm bảo an toàn chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.
(2) Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 Nghị định 130/2018/NĐ-CP.
(3) Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.