Nếu như người dân khi thực hiện tố cáo sẽ được bảo vệ bí mật thông tin ra sao? Bên cạnh đó thì cơ quan nhà nước sẽ làm việc trực tiếp với người bị tố cáo sẽ ra sao?
Người dân khi đi thực hiện tố cáo sẽ được bảo vệ bí mật thông tin ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo 2018 quy định về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:
- Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;
- Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;
- Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.
Như vậy, người dân khi đi thực hiện tố cáo thì cơ quan nhà nước sẽ tùy vào tình hình cụ thể để áp dụng những biện pháp để bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
Làm việc trực tiếp với người bị tố cáo sẽ ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 31/2019/NĐ-CP như sau:
- Người giải quyết tố cáo, Tổ xác minh phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về những nội dung bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung bị tố cáo, nội dung giải trình.
- Nội dung làm việc với người bị tố cáo phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP. Biên bản phải có chữ ký của người bị tố cáo, người chủ trì làm việc với người bị tố cáo và được lập thành ít nhất 02 bản, giao 01 bản cho người bị tố cáo (nếu người bị tố có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo.
- Trường hợp thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ, việc giải trình của người bị tố cáo chưa rõ thì người giải quyết tố cáo, Tổ xác minh yêu cầu người bị tố cáo tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng, giải trình về các vấn đề còn chưa rõ.
Như vậy, sau khi bị tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi văn bản để xác minh về những nội dung mà người bị tố cáo là đúng hay sai và phải cung cấp bằng chứng, thông tin, tài liệu liên quan. Bên cạnh đó thì nội dung làm việc với người bị tố cáo phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP. Biên bản phải có chữ ký của người bị tố cáo, người chủ trì làm việc với người bị tố cáo và được lập thành ít nhất 02 bản, giao 01 bản cho người bị tố cáo (nếu người bị tố có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo.
Lập hồ sơ để áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Tố cáo 2018 về hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ như sau:
- Việc bảo vệ người tố cáo phải được lập thành hồ sơ.
- Căn cứ vào vụ việc cụ thể, hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo; yêu cầu hoặc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người giải quyết tố cáo;
+ Kết quả xác minh thông tin về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Văn bản đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Quyết định thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ;
+ Văn bản yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ;
+ Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Tài liệu khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
Như vậy, việc bảo vệ người tố cáo phải được lập thành hồ sơ và chi tiết hồ sơ được thực hiện theo quy định nêu trên.