Hỏi:
Người không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì có quyền tạm giữ tang vật hành chính không?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
"Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
3. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính."
Theo đó, pháp luật chỉ quy định là người có thẩm quyền xử phạt tịch thu tang vật tại chương II phần hai Luật này thì được ra quyết định tạm giữ tang vật chứ không bắt buộc phải là người có thẩm quyền xử phạt hành chính vụ việc vi phạm mới được quyết định tạm giữ. Hơn nữa, mục đích của việc tạm giữ là để ngăn chặn kịp thời hành vi tẩu táng tang vật, phương tiện, do đó, nếu như mà phải chờ xác minh chính xác hành vi vi phạm, chính xác người có thẩm quyền xử phạt rồi mới xác định ai ra quyết định tạm giữ thì bất hợp lý.