Người chồng không được phép đơn phương ly hôn trong trường hợp nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612085 29/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Người chồng không được phép đơn phương ly hôn trong trường hợp nào?

    Ly hôn là quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống gia đình. Vợ và chồng đều được quyền đơn phương ly hôn khi không thể chung sống cùng nhau được nữa. 

    Tuy nhiên, một số người thắc mắc rằng liệu có trường hợp nào người chồng không được phép đơn phương ly hôn?

    Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

    Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các đối tượng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, bao gồm:

    + Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    + Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

     

    (1) Điều kiện ly hôn đơn phương

    Đối với ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên), căn cứ theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định điều kiện như sau:

    - Trường hợp 1: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

    Trong đó, “Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

    “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.

    “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng.

    + Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình.

    + Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau.

    + Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

    - Trường hợp 2: Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

    - Trường hợp 3: Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

    (2) Người chồng không được phép đơn phương ly hôn trong trường hợp nào?

    Không phải bất kỳ trường hợp nào thì Tòa án cũng sẽ giải quyết cho yêu cầu ly hôn đơn phương. Cụ thể theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn trong các trường hợp sau:

    - Khi người vợ đang mang thai.

    - Khi người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Tại Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 hướng dẫn khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

    - Trong đó, "Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

    -“Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi.

    + Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con.

    +Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

    - Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 51 hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 51.

    - Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

    - Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

    Đây được xem là hai trường hợp pháp luật Việt Nam hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Bởi vì giai đoạn mang thai và nuôi con dưới 12 tháng là thời điểm người vợ cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.

    Việc ly hôn trong giai đoạn này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người vợ và sự phát triển của đứa trẻ.

    Ngoài ra, đây là quy định nhằm đảm bảo sự ổn định cho trẻ. Trẻ sơ sinh cần một môi trường gia đình ổn định để phát triển. Việc cha mẹ ly hôn trong giai đoạn này có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ.

    Xem thêm bài viết Người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?

    (3) Ly hôn đơn phương, ai sẽ được quyền nuôi con?

    Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

    - Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.

    - Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

    - Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    - Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Như vậy, trong trường hợp tranh chấp quyền nuôi con không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét quyền lợi, căn cứ vào tình hình cụ thể mà đưa ra quyết định ai là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con.

    Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành, người chồng không được phép đơn phương ly hôn trong trường hợp vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi

    Xem thêm bài viết Người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?

     
    485 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (23/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận