HIV/AIDS luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong tình hình xã hội hiện nay. Vậy thì pháp luật quy định về người bị phơi nhiễm với HIV là như thế nào? Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV ra sao?
Người bị phơi nhiễm với HIV là như thế nào?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 như sau:
- Phơi nhiễm với HIV là nguy cơ bị lây nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của cơ thể người nhiễm HIV.
Như vậy, người bị phơi nhiễm với HIV là người đã tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của cơ thể người nhiễm HIV và có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV.
Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV ra sao?
Căn cứ Điều 36 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020 về việc điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV như sau:
- Người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV được tư vấn, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV.
Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 11 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020 cụ thể như sau:
+ Người nhiễm HIV;
+ Người sử dụng ma túy;
+ Người bán dâm;
+ Người có quan hệ tình dục đồng giới;
+ Người chuyển đổi giới tính;
+ Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm, b, c, d và đ khoản này;
+ Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV;
+ Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
+ Người di biến động;
+ Phụ nữ mang thai;
+ Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;
+ Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn;
+ Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.
- Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và hưởng chế độ theo quy định của Luật này.
Như vậy, người bị phơi nhiễm với HIV sẽ được Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.
Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và hưởng chế độ.
Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng những chế độ nào?
Căn cứ Điều 46 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp như sau:
- Người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.
- Người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được khám, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng HIV miễn phí .
- Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Như vậy, người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật và được khám, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng HIV miễn phí