Nhiều người nghĩ rằng hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội là sẽ ngồi tù suốt đời, không được thả tự do. Vậy suy nghĩ này liệu có đúng không? Pháp luật quy định như thế nào về hình phạt tù chung thân.
Tù chung thân là gì?
Căn cứ tại Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015, tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tù chung thân có phải ngồi tù suốt đời không?
Theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án tù chung thân nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Lưu ý:
- Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
- Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
- Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, người bị tuyên án tù chung thân vẫn có thể được thả và không phải ở tù suốt đời trong trường hợp xét thấy có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Ngoài ra, người phạt tù chung thân muốn được giảm án tù cùng phải bảo đảm thời hạn thực tế đã chấp hành hình phạt là 20 năm.
Tham khảo:
Thi hành án tử hình là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình.
Căn cứ khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:
Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.
Như vậy, hiện nay Việt Nam chỉ có một hình thức thi hành án tử hình duy nhất bằng tiêm thuốc độc.
Trình tự thi hành án tử hình
(1) Trước khi thi hành án
Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình; trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.
(2) Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình
Theo đó, trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Quy định thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình
Theo Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc hướng dẫn thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:
- Thuốc làm mất tri giác;
- Thuốc làm liệt hệ vận động;
- Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Trong đó, một liều thuốc gồm 03 loại thuốc và dùng cho 01 người. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng.
(Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 43/2020/NĐ-CP)
Xem bài viết liên quan: Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng hình thức tử hình nào?