Trong quá trình lao động có nhiều lý do dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thể do yếu tố khách quan hoặc ý muốn đơn phương của người lao động (NLĐ) hoặc người sử dụng lao động (NSDLĐ). Trong đó, việc chấm dứt HĐLĐ vì lý do NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ cũng khiến NSDLĐ và NLĐ gặp không ít khó khăn trong quá trình giải quyết. Hiểu được điều đó, bài viết cung cấp một số kiến thức liên quan đến vấn đề này. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Theo đó, chấm dứt hợp đồng lao động là sự kiện người lao động chấm dứt làm việc cho người sử dụng lao động do hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt; do người lao động bị sa thải; hoặc do một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Đồng thời căn cứ khoản 11 Điều 34 Bộ luật lao động 2019, thì trường hợp NSDLĐ cho NLĐ thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ thuộc một trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo BLLĐ 2019.
Quy định nghĩa vụ của NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ vì thay đổi cơ cấu, công nghệ
Theo khoản 1 điều 42 Bộ luật lao động 2019 thì thay đổi cơ cấu công nghệ là một trường hợp sau đây:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
- Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
Theo đó, quy định về việc người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ tại khoản 3,5,6 Điều 42 Bộ luật Lao động như sau:
Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của BLLĐ 2019; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của BLLĐ 2019.
Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều 42 BLLĐ 2019 chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Như vậy, NSDLĐ vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ mà buộc phải cho người lao động thôi việc là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
Quy định về việc xây dựng phương án sử dụng lao động khi cho người lao động thôi việc vì thay đổi cơ cấu, công nghệ.
Theo quy định trên thì khi thay đổi cơ cấu, công nghệ mà phải cho nhiều người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động.
Căn cứ Điều 44 Bộ luật lao động 2019 quy định về phương án sử dụng NLĐ như sau:
Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ:
Về trợ cấp thôi việc
Khi hợp đồng lao động chấm dứt trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Trợ cấp mất việc làm
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động 2019 cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ.
Trong đó, kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.