Mỗi vị trí công việc phải làm thử trong thời gian bao lâu?
Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cụ thể về thời gian thử việc đối với mỗi vị trí việc làm. Theo đó, mỗi công việc chỉ phải thử việc 01 lần theo thời gian do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá thời gian tối đa sau đây:
- 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp.
- 60 ngày: Công việc cần trình độ cao đẳng trở lên.
- 30 ngày: Công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- 06 ngày làm việc: Công việc khác.
Nếu thử việc quá thời gian nói trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.”
Ngoài việc áp dụng thời gian thử việc tối đa, nếu người lao động có chuyên môn tốt, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận thời gian thử việc ngắn hơn so với quy định của pháp luật.
Chưa hết thời gian thử việc, xin nghỉ có phải báo trước không?
Theo Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
“Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”
sau khi kết thúc thử việc mà người lao động được đánh giá là thử việc không đạt thì hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động có lồng nội dung thử việc đã ký sẽ bị chấm dứt.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng chấm dứt hợp đồng theo cách này. Thực tế rất nhiều người lao động trong thời gian thử việc phát hiện ra bản thân không phù hợp với công việc, văn hóa doanh nghiệp mà muốn xin nghỉ việc.
Theo quy định Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ:
“2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”
Như vậy, nếu đang trong thời gian thử việc, người lao động hoàn toàn có quyền tự ý nghỉ việc mà không cần báo trước. Cùng với đó, người lao động cũng không phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong thời gian đang làm thử.