Nghị quyết 86/NQ-CP: TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021

Chủ đề   RSS   
  • #574503 10/08/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (248)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    Nghị quyết 86/NQ-CP: TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021

    Phấn đấu kiểm soát dịch tại TP. HCM trước ngày 15/9/2021 - Minh họa

    Phấn đấu kiểm soát dịch tại TP. HCM trước ngày 15/9/2021 - Minh họa

    Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV.

    Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV với một số nội dung chủ yếu sau đây:

    Các giải pháp cấp bách

    Nghị quyết nêu rõ các giải pháp cấp bách cần triển khai. Cụ thể:

    Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; trong đó cần đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo:

    Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra   cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

    Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.

    Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

    Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.

    Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

    Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.

    TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021

    Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

    Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15 tháng 9 năm 2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01 tháng 9 năm 2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25 tháng 8 năm 2021. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể.

    Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

    Thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong

    Về công tác y tế, Chính phủ giao Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.

    a) Về xét nghiệm:

    Bộ Y tế cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm  để các địa phương chủ động mua sắm. Bộ Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

    Các địa phương chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

    Các địa bàn thực hiện phong tỏa cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng, sâu như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác.

    b) Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19:

    Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn; các địa phương, bộ ngành chỉ đạo cơ quan y tế, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị. Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, oxy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.

    c) Về vaccine, thuốc điều trị COVID-19:

    - Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vaccine” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng;

    - Căn cứ chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc  ưu tiên các đối tượng tiêm vaccine phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh;

    - Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho người dân;

    - Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng cùng với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất và với giá thấp nhất có thể; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết;

    - Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.

    d) Xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19:

    - Căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng cáckịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III năm 2021. Căn cứ yêu cầu thực tế phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kịch bản, phương án của địa phương mình để phê duyệt, chủ động thực hiện việc thành lập, xây dựng cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; dự trữ, bố trí nguồn lực và tổ chức lực lượng để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn;

    - Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp trong triển khai công tác dự phòng, điều trị, tiêm vaccine, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định.

    Kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội

    Về bảo đảm an ninh, trật tự, Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức các lực lượng, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.

    Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chú trọng phát huy vai trò của công an cấp cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn các cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

    Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội, nhất là lực lượng quân y, binh chủng hóa học, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị, vật tư và tham gia cứu trợ Nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa; chú trọng quản lý chặt chẽ biên giới, đường mòn, lối mở, xuất cảnh, nhập cảnh; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

    Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa

    Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung chỉ đạo:

    Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

    Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

    Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.

    Huy động các lực lượng công an, quân đội, dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, hội đồng hương… và Nhân dân cả nước tham gia sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

    Không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói

    Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo:

    - Triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này;

    - Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

    Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp và bảo đảm trang thiết bị phòng hộ đối với lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế; cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên.

    Các địa phương đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu; có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ tình nguyện viên của các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ ...

    Xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên mạng

    Về thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ giao Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất một đầu mối về truyền thông, tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương.

    Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ dùng chung đã được các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền công bố; chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ khác phù hợp với các nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; tổ chức, phân công đầu mối để phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.

    Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:

    - Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

    - Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng;

    - Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

    Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

    Xem toàn văn Nghị quyết tại file đính kèm.

     
    1179 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    admin (11/08/2021) ThanhLongLS (10/08/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận