Năm 2013, trước thực trạng năm nào tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng 95-96%, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bỏ kỳ thi này.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. "Chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động 'Hai không" là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu 'thắt' thì phải thắt khâu quản lý, 'thắt' quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này", bà Doan nói.
Đến nay, dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn “dậm chân tại chỗ” đối với đề nghị của Phó Chủ tịch nước. Đáng nói hơn, năm 2014 tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 99% - thể hiện rõ hơn bao giờ hết kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày một “vô nghĩa”.
1. Tạo áp lực cho học sinh và không hiệu quả
Hai kỳ thi liên tiếp nhau trong vòng một tháng (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ) tạo ra áp lực tâm lý lớn cho học sinh lớp 12. Sau một năm học vất vả các em không có thời gian nghỉ ngơi, ôn tập lại kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc với những câu cửa miệng “kỳ thi đã thành công tốt đẹp”, và căn bệnh thành tích cứ trỗi dậy với kết luận “tỷ lệ tốt nghiệp năm nay cao hơn năm trước”. Nhưng thử hỏi mấy ai tin vào điều đó?
2. Tốn kém
Với gần một triệu thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ cần tính với con số nho nhỏ 100 nghìn đồng (mà mỗi phụ huynh phải bỏ ra cho các em trong những ngày thi) thì cả đất nước tiêu tốn hơn 100 tỷ đồng. Thử hỏi có đáng hay không?
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44/NQ-CP về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Theo đó:
- Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung.
- Đề án đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định vào năm 2016.
Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có xây dựng đề án “bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2016” trên yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hay không?