Chính phủ vừa ban hành Nghị Quyết 09/NQ-CP năm 2023 ngày 02/02/2023, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cho việc phát triển mô hình tổ chức kinh tế Hợp tác xã (HTX) như sau:
(1) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã
Giải quyết các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể
Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể bao gồm:
- Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã (nợ nhà nước, nợ ngân hàng, nợ các tổ chức kinh tế khác, nợ thành viên, thành viên nợ HTX...).
- Các quan hệ về tài sản của HTX, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai.
- Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả.
- Xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
- Cơ cấu lại các HTX tín dụng, nhất là xử lý một số HTX tín dụng hoạt động yếu kém.
Hoàn thiện các chính sách của kinh tế tập thể
Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể.
Kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức kinh tế tập thể.
Khuyến khích tăng vốn và liên kết kinh tế Hợp tác xã
Có cơ chế, chính sách khuyến khích tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ.
Đồng thời thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ, thành lập doanh nghiệp tại những tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện; ủy thác một số dịch vụ công cho các tổ chức kinh tế tập thể; khuyến khích liên kết kinh tế trong cùng ngành, lĩnh vực.
Liên kết tổ chức kinh tế tập thể với doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể liên kết với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp để tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đặc biệt là tham gia các ngành công nghiệp phụ trợ.
(2) Trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình hành động của Chính phủ.
Kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình.
Trước ngày 28/02/2023, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ:
- Đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ.
- Phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ KH&ĐT để theo dõi, giám sát.
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xây dựng, triển khai các chương trình, đề án liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các tổ chức đại diện liên quan và các tổ chức kinh tế tập thể để bảo đảm khả thi và hiệu quả.
Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.