Trong mối quan hệ thương mại đa dạng hiện nay, doanh nghiệp luôn muốn tìm phương pháp giải quyết tranh chấp nhanh gọn, đơn giản, bí mật và hạn chế chi phí.
Để hiện thực hóa điều đó, vừa qua chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2017) lần đầu tiên cho phép thành lập Trung tâm Hòa giải thương mại. Nghị định đã quy định về điều kiện trở thành Hòa giải viên, thành lập và đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại…
Việc Nhà nước cho phép các cá nhân, tổ chức có kiến thức, kinh nghiệp về pháp luật đứng ra làm “trọng tài” hoặc “bên trung gian” giúp hai bên tìm được tiếng nói chung sẽ mở đường cho các doanh nghiệp tránh được kiện tụng tại Tòa án.
Nghị định 22/2017/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định như sau:
– Khi tiến hành hòa giải, các bên có thể tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải hoặc lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.
– Nếu các bên không thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại thực hiện theo trình tự, thủ tục mà họ thấy phù hợp với vụ việc, nguyện vọng và được các bên đồng ý.
– Việc hòa giải có thể được tiến hành bởi một hoặc nhiều hòa giải viên do các bên thỏa thuận.
– Hòa giải viên thương mại có quyền đưa ra đề xuất giải quyết tranh chấp ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải.
– Các bên có thể thỏa thuận về thời gian, địa điểm hòa giải; nếu không thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại sẽ là người lựa chọn.