Thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã chính thức quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo đó yêu cầu tối thiểu là phải bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách. Trước đây, thực hiện Nghị định 122, qua khảo sát và báo cáo của 14 DNNN trung ương cho thấy chỉ có 2/14 DN có Phòng/Ban Pháp chế độc lập; 3/14 DN có Phòng/ Ban Pháp chế trực thuộc Văn phòng; 8/14 DN có Phòng/ Ban trên cơ sở kết hợp với công tác khác và 1/14 DN bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các DN thuộc UBND quản lý lại không thành lập tổ chức pháp chế cũng như không bố trí cán bộ làm công tác pháp chế (như tỉnh Bắc Giang). Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế DNNN theo Nghị định 122 còn bị bó hẹp. Việc tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng các văn bản của DN (nội quy, quy chế…), phổ biến, giáo dục pháp luật… chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, Nghị định số 55 đã nêu rõ: “Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc DNNN quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách”. Không những thế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc DNNN có trách nhiệm trong việc xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở DNNN; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở DNNN; bố trí đủ nhân viên pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở DNNN; báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN và gửi Bộ Tư pháp. Cũng theo Nghị định 55, tổ chức pháp chế ở DNNN là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc DN về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tổ chức pháp chế ở DNNN có 8 nhiệm vụ, quyền hạn, bao gồm: chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức đoàn thể của DN phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của DN cho người lao động; tư vấn hoặc tham mưu việc thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của DN ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức, quản lý của DN… Thục Quyên Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam |