Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết việc ông hỏi bà Nga về số tiền 1,5 triệu USD là để HĐXX có được những thông tin, chứng cứ xác đáng để đánh giá khách quan vụ án.
"Về nguyên tắc pháp luật tố tụng hình sự, khi đánh giá chứng cứ tại phiên tòa thì HĐXX cần đánh giá công khai và toàn diện các chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Chi tiết 1,5 triệu USD mà bà Nga khai chạy ĐBQH đã có trong hồ sơ vụ án, có trong cáo trạng thì cần phải được xét hỏi để qua đó HĐXX có thể đánh giá khách quan và đúng đắn".
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên xét xử, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ tọa phiên tòa, cho biết HĐXX không ngăn cản bà Nga khai.
"Vấn đề mà luật sư hỏi đã được cơ quan điều tra tách ra rồi nên không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này, HĐXX nhắc để không làm mất thời gian, sau đó luật sư không hỏi chứ không phải bị cáo khai mà chủ tọa không cho khai" - bà Thu nói.
Khai báo là quyền và cũng là nghĩa vụ của bị cáo, nên nếu khai, bị cáo Châu Thị Thu Nga phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra từ lời khai tại phiên tòa.
Tình tiết bị cáo Châu Thị Thu Nga - nguyên đại biểu Quốc hội, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group - hai lần xin khai về khoản 1,5 triệu USD "chạy" đại biểu Quốc hội nhưng đều bị chủ tọa nhắc nhở "không nằm trong phạm vi xét xử của vụ án" đặt ra vấn đề tòa có quyền không cho bị cáo khai báo tại phiên tòa hay không?
“Khai báo là quyền và nghĩa vụ của bị cáo”
Đó là ý kiến của thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM.
Theo ông Thảo, số tiền 1,5 triệu USD được xác định là tiền do bị cáo chiếm đoạt mà có. Việc làm rõ bị cáo đã sử dụng số tiền chiếm đoạt của các khách hàng mua dự án vào việc gì là rất cần thiết.
Bởi làm rõ được đường đi của số tiền này thì mới xác định được số tiền đi đâu và có cơ hội thu hồi lại số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.
Luật không cấm các bị cáo khai, nếu lời khai đó không làm tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Do đó, việc hội đồng xét xử (HĐXX) ngắt lời không để bị cáo khai là không đúng quy định của pháp luật.
Bởi lời khai này không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của bị cáo, nó giúp cho việc làm rõ bản chất của vụ án cũng như những tình tiết liên quan.
"Đặt tình huống những lời khai này có thể phục vụ cho việc mở rộng vụ án thì càng cần thiết phải để bị cáo thực hiện quyền của mình", thạc sĩ Thảo cho biết.
Trong khi đó, một đại biểu Quốc hội cho rằng lời khai của bị cáo tại phiên tòa nếu liên quan đến vụ án thì cần phải để bị cáo nói hết. Hàng trăm vụ án đã đưa ra xét xử nhưng tòa phải hoàn trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung đều do lời khai của bị cáo xuất hiện thêm tình tiết mới phải được làm rõ.
Dẫn chứng mới nhất là trong phiên xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung (lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Cao Toàn Mỹ) thì HĐXX đã tạo điều kiện để các bị cáo được khai hết, kể cả chi tiết về hợp đồng tình dục.
HĐXX cũng cho thẩm tra các lời khai này ngay tại phiên tòa đối với người bị hại, tòa cũng triệu tập người liên quan đến để làm rõ các tình tiết mới, các lời khai mới này.
Khi phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga kết thúc, phó chánh án TAND tối cao đã trả lời trên truyền thông rằng đó là một phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp.
Các bị cáo được quyền khai báo, còn việc xem xét đối chiếu các lời khai, làm rõ các tình tiết này là của những người tiến hành tố tụng.
"Việc không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai về khoản tiền 1,5 triệu USD là không đúng quy định pháp luật", vị này cho biết.
Rất nhiều vụ án được mở rộng từ lời khai tại tòa!
Đó là khẳng định của ông Vũ Phi Long, nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, về việc sử dụng lời khai của các bị cáo tại phiên tòa để mở rộng vụ án.
"Trong quá trình xét xử, TAND TP.HCM cũng đã hoàn trả hồ sơ nhiều vụ án để điều tra bổ sung vì cần làm rõ những tình tiết trong lời khai của bị cáo. Thẩm phán cần phải để cho bị cáo khai hết ý của mình và theo quy định thì bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai đó", ông Long nói.
Đồng thời, ông Long nói thêm trong bối cảnh chống tham nhũng như hiện nay thì lời khai của các bị cáo là đáng quý, nó có thể dẫn dắt đến những vấn đề lớn hơn ngoài phạm vi của vụ án.
Việc xác minh lời khai không quá khó đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về việc TAND TP Hà Nội cho rằng bởi các lời khai về việc chạy đại biểu Quốc hội đã được đối chiếu nên lời khai tại phiên tòa này là không cần thiết cũng nhận được ý kiến của các vị chuyên gia.
Theo một đại biểu Quốc hội thì lời khai "chạy" vào Quốc hội là khó tồn tại. Bởi người trực tiếp bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội là các cử tri, do đó nếu đại biểu Quốc hội "chạy" cử tri là khó thuyết phục. Còn nếu có một lời khai nào khác về cách thức để lọt qua các vòng hiệp thương thì cũng nên xem xét kỹ.