Ngày 15/08/2022, Bộ Công an vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư ban hành về quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân. Nội dung Dự thảo lần này quy định về nguyên tắc ứng xử; quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên; quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Qua đó, thể hiện được sự tôn trọng, ứng xử phù hợp với đạo đức, văn hóa của dân tộc và truyền thống của Công an nhân dân.
Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên các học viện, nhà trường, công nhân Công an (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).
Dự thảo Thông tư này được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng nhằm thay thế Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
Theo đó, Dự thảo gồm 03 Chương 17 Điều, trong đó, tại Điều 5 Chương II Dự thảo có quy định cụ thể nội dung ứng xử với Nhân dân, như sau:
- Kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân.
- Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
- Không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc trừ trường hợp phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
- Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tự nguyện, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
- Đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính.
Trong thực tế, đã có nhiều vụ việc mâu thuẫn xảy ra giữa người dân và cán bộ công an, dẫn đến những tranh chấp không đáng có.
Thậm chí, thiệt hại cả về tài sản lẫn con người, không chỉ ảnh hưởng về mặt hình ảnh mà còn gây ra mất trật tự an ninh và xã hội.
Vậy nên, những quy tắc ứng xử được ban hành trong Dự thảo này đã góp phần xây dựng tính tuân thủ, tôn trọng pháp luật, ngoài ra còn thể hiện được một hình ảnh đẹp, chuẩn mực trong lòng người dân.
“Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.” quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Dự thảo. Quy định này nhằm hạn chế những tranh chấp còn tồn tại trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.
Chẳng hạn: trong một số trường hợp bởi vì lời lẽ không đúng mực, thái độ không hòa nhã của các các bộ, chiến sĩ công an mà xảy ra mâu thuẫn với người dân.
Điều này không những vi phạm quy tắc ứng xử, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết công việc, làm chậm trễ tiến độ hoàn thành nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng đến sự hợp tác của người dân.
Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ công an cần đảm bảo tuân thủ và thực hiện đúng những quy tắc ứng xử này.
Điểm khác biệt so với Thông tư 27/2017/TT-BCA trước đó là Dự thảo lần này có thêm Khoản 5 về đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính.
Điều này nhằm đảo bảm rằng không có những hành vi nhằm lợi dụng chức vụ, không minh bạch trong giải quyết vụ việc với người dân, đặc biệt là trong thủ tục hành chính.
Nói cách khác, Dự thảo Thông tư về quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân thể hiện sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân; tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cũng như đảm bảo phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống Công an nhân dân.
Ngoài ra, Dự thảo này còn quy định cụ thể những quy tắc ứng xử của các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong nội bộ; ứng xử với người vi phạm pháp luật; ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử trong gia đình; ứng xử nơi cư trú; ứng xử nơi công cộng; ứng xử với môi trường tự nhiên; ứng xử, giao tiếp qua điện thoại và phương tiện điện tử khác.
Như vậy, việc hoàn hành Dự thảo Thông tư ban hành về quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân có ý nghĩa đối với truyền thống Công an nhân dân, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và thái độ phù hợp của người thi hành nhiệm vụ đối với người dân.
Xem nội dung Dự thảo tại đây.