Một ngân hàng được coi là phá sản khi nào? Trường hợp ngân hàng phá sản thì người gửi tiền tại đây được đền bù bao nhiêu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Khi nào thì một ngân hàng được coi là phá sản?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 có quy định phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 203 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (dự kiến có hiệu lực thi hành từ 01/07/2024) quy định về việc phá sản của một tổ chức tín dụng như sau:
- Sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì tổ chức tín dụng phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định.
- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, NHNN sẽ thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.
Như vậy, khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán thi ngân hàng sẽ được coi như phá sản và phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định.
(2) Ngân hàng phá sản, người gửi tiền tiết kiệm được đền bù bao nhiêu?
Căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có quy định về nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh là kể từ thời điểm mà NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Cạnh đó, tại Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 cũng có nêu rõ hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Theo đó, Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại 01 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định nêu trên.
- Trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền thì:
+ Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định.
+ Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu. Nếu giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định.
- Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm: Tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: Số tiền gửi được bảo hiểm sẽ là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Theo đó, tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm, cụ thể:
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm bao gồm cả gốc và lãi của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Như vậy, trường hợp ngân hàng phá sản thì người gửi sẽ được bảo hiểm đền bù tối đa là 125 triệu đồng. Bên cạnh đó, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.