Ngân hàng có được chủ động trừ tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Ghi Có vào tài khoản là gì?
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể định nghĩa của việc ghi Có vào tài khoản, tuy nhiên có thể hiểu ghi Có vào tài khoản là số tiền giao dịch được chuyển vào tài khoản của khách hàng.
Nói đơn giản hơn, khi tài khoản của bạn nhận thêm tiền thì sẽ được ghi Có vào tài khoản.
Ngân hàng có được tự trừ tiền khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng?
Theo điểm a khoản 1 Điều 21 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi khách hàng mở tài khoản có quyền chủ động trích Nợ tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thi hành án, quyết định thu thuế hoặc các nghĩa vụ thanh toán khác theo quy định của pháp luật và thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết;
- Để điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật và thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết;
- Khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc theo yêu cầu hủy lệnh chuyển Có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phục vụ bên chuyển tiền do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phục vụ bên chuyển tiền phát hiện thấy có sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền đã lập; việc trích Nợ tài khoản thanh toán phải thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết;
-Theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, định kỳ hoặc thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh; việc trích Nợ tài khoản thanh toán phải thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết;
Như vậy, ngân hàng nơi khách hàng mở tài khoản có quyền chủ động trích Nợ tài khoản thanh toán khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng nhưng phải thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết.
Khách hàng bị ghi Có nhầm vào tài khoản của mình có nghĩa vụ gì?
Theo khoản 2 Điều 20 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán bao gồm:
- Đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện các lệnh thanh toán đã lập. Trường hợp có thỏa thuận thấu chi với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản thì phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan khi chi trả vượt quá số dư Có trên tài khoản;
- Chấp hành các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư này và thỏa thuận với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Kịp thời thông báo cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy những sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản thanh toán của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng;
- Hoàn trả hoặc phối hợp với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài những thông tin trong hồ sơ tài khoản thanh toán, các thông tin bổ sung theo yêu cầu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận; chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh trong trường hợp cung cấp, cập nhật thông tin không đầy đủ, chính xác, kịp thời và những thiệt hại do sai sót của mình gây ra;
- Duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Không thực hiện những hành vi bị cấm về mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Như vậy, khách hàng bi ghi Có nhầm vào tài khoản của mình cũng có nghĩa vụ hoàn trả, phối hợp với ngân hàng khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình.
Ngân hàng có quyền từ chối lệnh thực hiện thanh toán của khách hàng không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 21 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi khách hàng mở tài khoản có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
- Lệnh thanh toán không hợp pháp, hợp lệ;
- Chủ tài khoản thanh toán không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục thanh toán hoặc yếu tố trên lệnh thanh toán không khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán hoặc lệnh thanh toán không phù hợp với các thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán;
- Tài khoản thanh toán không đủ số dư để thực hiện lệnh thanh toán hoặc vượt hạn mức thấu chi;
- Tài khoản thanh toán bị đóng hoặc phong tỏa toàn bộ;
- Khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật;
- Chủ tài khoản thanh toán vi phạm các hành vi bị cấm
- Chủ tài khoản thanh toán từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ về nhận biết khách hàng theo yêu cầu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc khi có nghi ngờ về tính trung thực của thông tin và mục đích giao dịch đối với các giao dịch đặc biệt phải giám sát theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền;
- Các trường hợp khác theo thỏa thuận trước với khách hàng tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán bao gồm: trường hợp tài khoản thanh toán có dấu hiệu liên quan đến lừa đảo gian lận, phục vụ cho mục đích bất hợp pháp theo các tiêu chí của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Như vậy, trong một số trường hợp theo quy định trên thì ngân hàng có quyền từ chối lệnh thực hiện thanh toán của khách hàng.