ACB: “Soi” BCTC 6 tháng đầu năm để lượng hóa rủi ro
Nguồn tiền huy động chủ lực của ACB đến từ khu vực dân cư khi tiền gửi tiết kiệm là 101,298 tỷ đồng, chiếm tới gần 70% tổng vốn huy động, và chứng chỉ tiền gửi vàng ngắn hạn 48,104 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB), ngân hàng này báo lãi sau thuế1,612 tỷ đồng. Tuy vậy, ở thời điểm hiện nay con số lãi này dường như không được giới đầu tư quan tâm bằng việc ngân hàng này sẽ quản trị rủi ro thanh khoản như thế nào.
Tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 6/2012 tại ACB là 145,616 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu gồm tiền gửi tiết kiệm 101,298 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn 23,667 tỷ đồng, tiền gửi không kỳ hạn 14,415 tỷ đồng, phần còn lại là tiền gửi ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dụng là 6,236 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy nguồn tiền huy động chủ lực của ACB đến từ khu vực dân cư khi tiền gửi tiết kiệm chiếm tới gần 70% tổng vốn huy động khách hàng. Đây là điều khá bất lợi cho ACB khi khu vực dân cư thường dễ nhạy cảm với thông tin xấu.
Phát hành giấy tờ có giá đến cuối tháng 6/2012 là 53,968 tỷ đồng, tăng nhẹ 6.4% so với cuối năm 2011. Khoản mục này bao gồm Trái phiếu có kỳ hạn từ 2-10 năm có tổng giá trị là 5,790 tỷ đồng và đáng lưu ý là chứng chỉ tiền gửi vàng dưới 12 tháng là 48,104 tỷ đồng và từ 12 tháng-5 năm là gần 74 tỷ đồng .
Với việc chứng chỉ tiền gửi vàng dưới 12 tháng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong khoản mục phát hành giấy tờ có giá, thì rủi ro bị rút nguồn tiền huy động ở khoản mục này cũng khá cao. Ngoài ra, trong trường hợp giá vàng tăng cao thì không loại trừ khả năng ACB cũng sẽ phát sinh khoản thua lỗ.
Ngoài ra, nghĩa vụ nợ của ACB còn có 19,672 tỷ đồng Tiền gửi của các TCTD khác và 22,471 tỷ đồng Các khoản nợ khác.
Như vậy, có thể thấy với việc huy động vốn chủ yếu đến tư khu vực dân cư cũng như phát hành giấy tờ có thời gian đáo hạn ngắn thì áp lực chi trả của ACB là không hề nhỏ.
Đâu là những khoản mục có thể giúp ACB “chống đỡ”, bên cạnh sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng bạn?
Tiền mặt, vàng bạc, đá quý với 8,789 tỷ đồng. Đây cũng là khoản mục thanh khoản cao nhất có được. Tiếp đến là Tiền gửi tại NHNN 3,397 tỷ đồng. Khoản mục này cũng tương đối dễ dàng sử dụng để đảm bảo thanh khoản.
Tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác là khoản mục lớn thứ hai trong tài sản của ACB. Đây là khoản mục cho vay trên thị trường liên ngân hàng, đến cuối quý 2 là 56,003 tỷ đồng, đã giảm 31% so với đầu năm 2011.
Tuy nhiên, việc thu hồi một lượng tiền lớn trên thị trường liên ngân hàng trong một thời gian ngắn là điều không hề dễ dàng, nếu không có sự hỗ trợ của NHNN.
Chứng khoán kinh doanh, với tổng giá trị danh mục đến cuối quý 2 là gần 611 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 27 tỷ đồng.
ACB chủ yếu đầu tư vào chứng khoán vốn (cổ phiếu) do các ngân hàng khác phát hành 555 tỷ đồng, chứng khoán vốn do TCKT trong nước phát hành 50 tỷ đồng và chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành là gần 5 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng. Tính đến cuối tháng 6/2012, khoản mục cho vay khách hàng của ACB có số dư 103,727 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0.9% so với thời điểm cuối năm 2011.
Chất lượng nợ vay cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành ngân hàng trong thơi gian qua. Tổng nợ xấu đến cuối quý 2/2012 được hạch toán ở mức 1,620 tỷ đồng, chiếm 1.56% trong tổng dư nợ và gia tăng mạnh 76.5% so với cuối năm 2011.
Điều này giúp khoản trích lập dự phòng nợ xấu của ACB chỉ dừng ở mức gần 1,298 tỷ đồng, bằng 1.25% tổng dư nợ. So với trung bình ngành thì tỷ lệ nợ xấu hạch toán của ACB là khá thấp. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện này thì câu hỏi đặt ra là liệu nợ xấu của ACB đã được hạch toán chính xác, và nếu trích dự phòng rủi ro đầy đủ thì con số sẽ lên mức bao nhiêu.
Chứng khoán đầu tư đến cuối tháng 6/2012 đã gia tăng thêm 14.5% so với cuối năm 2011, đạt 29,924 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư chỉ 27 tỷ đồng.
Danh mục chứng khoán đầu tư của ACB chủ yếu tập trung vào chứng khoán nợ và có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho việc vay mượn.
Duy Nam (Vietstock)