Bao con chó bị mất, bao kẻ bắt chó đánh dân, bao “cẩu tặc” bị dân đánh chết … con số cụ thể chưa ai thống kê nhưng không hề nhỏ và đó rất ư là buồn – “mạng người không bằng mạng chó”.
Vừa qua, 800 hộ dân của xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang cùng ký đơn nhận tội đã đánh chết hai “cẩu tặc” trước đó (Xem chi tiết tại đây).
Dưới góc nhìn pháp lý, 800 hay 1 triệu người xin nhận tội không hề ảnh hưởng đến việc kết tội của Tòa án (Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự) mà chỉ làm khó cho cơ quan điều tra trong quá trình truy tìm sự thật.
Xin gác lại góc nhìn pháp lý để hướng đến đạo đức – đạo đức không hề cho phép ai đó đánh chết kẻ trộm.
Bởi vậy, người dân đánh chết “cẩu tặc” dù với lý do gì cũng không thể chấp nhận được.
Song, nói đi phải nói lại: nguyên nhân cốt yếu khiến người dân đánh chết “cẩu tặc” xuất phát từ sự bực tức, mà sự bực tức ấy được “nuôi dưỡng” bởi điều thờ ơ hoặc bất lực của chính quyền cơ sở (chính quyền không xử nên dân tự xử); nên người dân đã hành động vượt qua ngưỡng mà đạo đức cho phép.
Trộm chó hay trộm tiền thì cũng là trộm, mà trộm thì đáng bị xã hội lên án và khinh bỉ chứ không đáng đến mức phải chết.
Có lẽ, ai đó sẽ “ném đá” tôi bởi bài viết này nhưng thử hỏi nếu hành động một cách quá trớn như trên có giải quyết được vấn đề gì hay sự đau buồn nối tiếp buồn đau. Thậm chí, một ngày nào đó chúng ta sẽ bị đánh chết vì bị nghi oan là kẻ trộm chó.
Nếu con chó biết nói thì nó sẽ nói gì về những gì cuộc sống đang diễn ra…? – “mạng người không bằng mạng chó”.
P/s: Hãy mở rộng trái tim nhân ái và lòng vị tha! Đừng bao giờ lấy sự bực tức, một hành động trái đạo đức để tiêu diệt cái xấu.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 16/09/2013 03:26:12 CH