Có nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Bài viết "Đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp" trên Tuổi Trẻ ngày 27-2 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chứng chỉ này vì không cần thiết và gây mất thời gian, tiền bạc của giáo viên.
Xin trích đăng:
* Kiến thức không có gì mới
Tôi là giáo viên cấp II. Tôi có bằng đại học ở ngạch giáo viên THCS hạng II. Hiện nay muốn giữ hạng và hưởng bậc lương mới có hiệu lực từ ngày 20-3, tôi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Không phải "thăng hạng", mà chỉ đơn thuần là "giữ hạng".
Mới đây, trường tôi công tác và các trường bạn réo gọi nhau đăng ký các lớp bồi dưỡng chứng chỉ đang mở ra tấp nập ở một trường đại học và cao đẳng sư phạm. Một khóa học online 5 buổi được giới thiệu với giá 2,5 triệu đồng.
Nếu là cựu sinh viên của trường cao đẳng, chỉ cần đem bằng cao đẳng đến là được giảm 10% chi phí. Rồi nếu kêu gọi giáo viên đăng ký cùng nhau khoảng 20 người thì tiếp tục được giảm học phí...
Những lời "bỏ nhỏ", "rỉ tai" nhau về việc 5 buổi học online chỉ cần có mặt điểm danh 1-2 buổi và nộp tiền đủ là chứng chỉ về tay. Quả thật, việc tuyển sinh khóa học cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mấy hôm nay như một bức tranh đầy bi hài.
2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ để hoàn tất hồ sơ "giữ hạng", gần bằng nửa tháng lương đối với nhà giáo có thâm niên công tác khoảng chục năm, là cái giá khá đắt.
Đó là chưa kể 5 buổi học online với những nội dung kiến thức mà chúng tôi đã hoàn tất khóa học là không có gì mới.
Thanh Nguyễn
* Lãng phí số tiền lớn
Thông tư mới bắt buộc giáo viên học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tùy thuộc vào hạng đang giữ. Chương trình học không phải là kiến thức chuyên môn và nhiều nội dung đã học trong chương trình đào tạo giáo viên.
Do vậy, việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là không cần thiết. Việc học chứng chỉ này không phải nâng cao nghiệp vụ, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư.
Từ tình hình thực tế cuộc sống, yêu cầu nghề nghiệp, mong muốn chính đáng của thầy cô giáo là bỏ quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không thật cần thiết. Việc này tránh được sự lãng phí số tiền lớn của thầy cô phải bỏ ra học lấy chứng chỉ để cho đủ hồ sơ nhưng không thiết thực.
Nguyễn Văn Lực (giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
* Điều chỉnh thông tư theo hướng mở
Thật ra vấn đề về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, song khi đó không được quy định cụ thể và chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.
Đến các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 của Bộ GD-ĐT thì lại khác. Giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới. Mỗi chứng chỉ được "định giá" dao động 2,5 - 3,5 triệu đồng tùy theo sự nhanh, chậm, nhẹ nhàng hay khó khăn của lớp học.
Học hay không học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Bản thân người viết từng tham gia một lớp chứng chỉ giáo viên hạng 1 và xin được chủ quan đánh giá rằng nó chẳng có một chút hiệu quả, tác dụng nào đối với công tác giảng dạy của mình. Nhưng không học liệu sẽ đi đâu, về đâu?.
Vậy là giáo viên tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm các văn bằng, chứng chỉ của mình mà không biết rằng đến khi nào nó mới kết thúc. Việc Bộ GD-ĐT viện dẫn Luật viên chức và các văn bản liên quan về quy định chức danh nghề nghiệp là hoàn toàn đúng. Song luật hay các văn bản pháp luật khác cũng phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.
Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 theo hướng cởi mở sau: Thứ nhất, chỉ quy định cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng cao hơn. Thứ hai, có quy định miễn giảm chứng chỉ này đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu.
Thứ ba, trường hợp những giáo viên đã học các chứng chỉ ở mức cao hơn theo các quy định trước đây thì không cần học lại (ví dụ: giáo viên hạng 2 nhưng có chứng chỉ hạng 1 thì không cần học lại chứng chỉ hạng 2).
Cuối cùng, có hướng dẫn cụ thể về quy trình, đối tượng, thời gian thi, xét thăng hạng sớm vì hiện nay có rất nhiều trường, cơ sở giáo dục đang rầm rộ tuyển sinh, tạo nên một tâm lý đám đông rất lớn trong đội ngũ giáo viên.
Nguyễn Ngọc Triêm (giáo viên Trường THCS Phan Châu Trinh, Nông Sơn, Quảng Nam)
Nguồn: Tuổi trẻ