Năm 2024 không tổ chức tái chế bao bì thì phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường

Chủ đề   RSS   
  • #609805 22/03/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (397)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 72 lần


    Năm 2024 không tổ chức tái chế bao bì thì phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường

    Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu và bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại thành phố Hà Nội.

    (1) Trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường 

    Tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu như sau:

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.

    Hình thức thực hiện tái chế

    Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:

    - Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì;

    Nếu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì thì tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hằng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    - Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

    Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

    + Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì;

    + Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì;

    + Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì sẽ lựa chọn tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. 

    (2) Hướng dẫn đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam

    Tại Điều 81 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của nhà sản xuất, nhập khẩu được thực hiện như sau:

    - Nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp tài chính theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. 

    Việc kê khai số tiền đóng góp tài chính được tính theo khối lượng sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu sản phẩm, bao bì của năm liền trước. Nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai;

    Bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ tái chế được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 78 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

    - Trước ngày 20 tháng 4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20 tháng 4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20 tháng 10 cùng năm;

    - Trường hợp kê khai khối lượng sản phẩm, bao bì thấp hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu thì phải nộp số tiền cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo; trường hợp kê khai lượng sản phẩm, bao bì nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo.

    Công thức

    Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì (F) được xác định theo công thức: F = R x V x Fs

    Trong đó:

    F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng);

    R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định này (đơn vị tính: %);

    V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế (đơn vị tính: kg);

    Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg). Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs cho từng sản phẩm, bao bì và điều chỉnh Fs theo chu kỳ 03 năm một lần.

    Theo đó, tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Lãi tiền gửi ngân hàng của số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng cho chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

    Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích. Hội đồng EPR quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

     
    89 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận