Chào bạn. Điều 14 Thông tư 01/2016, cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện trong 5 trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thì cảnh sát phải, mang theo giấy chứng nhận và xuất trình khi có yêu cầu, phải đeo biển hiệu (thẻ xanh).
Nếu dừng xe để kiểm tra hành chính nhất thiết phải có chuyên đề, hoặc mệnh lệnh, kế hoạch do trưởng Công an cấp huyện trở lên ký. Nếu xử lý lỗi vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông phải chứng minh được lỗi vi phạm bằng hình ảnh.
Có 2 phương thức xử phạt vi phạm hành chính là xử phạt tại chỗ hoặc lập biên bản chờ quyết định xử phạt của cấp có thẩm quyền.
Việc xử phạt tại chỗ được áp dụng cho các lỗi có mức phạt dưới 250.000 đồng. Cảnh sát giao thông sẽ lập quyết định xử phạt hành chính theo mẫu. Trong các trường hợp khác, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản và bạn sẽ chờ quyết định phạt gửi về nhà trong 7 ngày và bạn phải nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước.
Còn trong trường hợp, bạn bị CSGT tuýt còi nhưng không phát hiện vi phạm thì CSGT phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,...) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ”.
Cũng có những lỗi CSGT có thể sẽ không phạt mà chỉ nhắc nhở bạn như: đè vạch, vượt phải, vượt tại đoạn đường con, vượt đèn đỏ mấy giây, xi-nhan hoặc khi bạn chạy vượt quá tốc độ cho phép dưới 5km..
Thứ hai, trong trường hợp Cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng 5 trường hợp này, thì chúng ta sẽ xử lý vấn đề này theo các cách thức sau:
- Báo cho C67 qua “đường dây nóng” 24/24h: 069 2342608 nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh. Khi báo cần nêu rõ vị trí xảy ra vi phạm, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT đeo trên người. Trường hợp vi phạm, C67 xử lý theo các mức: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Đặc biệt, với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
- Về hành vi cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính mà " có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính". Vì vậy, bạn có thể khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7, Luật khiếu nại 2011:
Việc khiếu nại phải tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức:
“1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
“2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này”.