Mỹ phẩm có yêu cầu ghi thông tin nhà sản xuất trên nhãn hàng hóa không? Nội dung nào cần có trên nhãn mỹ phẩm?
Nhãn hàng hóa của mỹ phẩm phải thể những nội dung bắt buộc nào?
Theo Điều 10 và Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) thì nhãn hàng hóa của mỹ phẩm phải có những nội dung bắt buộc sau:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP;
- Định lượng;
- Thành phần hoặc thành phần định lượng;
- Số lô sản xuất;
- Ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng/hạn dùng;
- Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;
- Hướng dẫn sử dụng trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ cách sử dụng của sản phẩm;
- Thông tin, cảnh báo.
Mỹ phẩm có yêu cầu ghi thông tin nhà sản xuất trên nhãn hàng hóa không?
Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa thì tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng hóa.
Cách ghi thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP) như sau:
- Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt.
- Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
+ Cơ sở sản xuất hàng hóa là thành viên trong một tổ chức như công ty, tổng công ty, tập đoàn, hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép.
+ Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.
- Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập
- Hàng hóa của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hóa đó.
- Hàng hóa được một tổ chức, cá nhân nhượng quyền về nhãn hàng hóa thì ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP còn phải ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép
Như vậy, nếu mỹ phẩm được sản xuất trong nước thì trên nhãn hàng hóa sẽ ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!