Mượn vàng phải trả bằng vàng hay có trả bằng tiền được không? Nếu được trả tiền thì phải trả số tiền bằng giá vàng lúc vay hay giá vàng hiện tại? Cụ thể qua bài viết sau đây.
Mượn vàng phải trả vàng hay trả tiền? Nếu trả tiền thì trả bằng giá vàng lúc vay hay hiện tại?
Việc cho mượn tiền, vàng bản chất là hai bên đang thực hiện hợp đồng vay tài sản. Theo đó, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, ta chia ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp hai bên có thoả thuận về tài sản vay/mượn:
Tại trường hợp này, nếu hai bên có thỏa thuận là mượn tiền thì sẽ phải trả bằng số tiền bằng số tiền lúc vay.
Nếu hai bên thỏa thuận là mượn vàng thì sẽ phải trả đúng số vàng đã mượn. Trường hợp người đã mượn không thể trả vàng thì có thể quy ra tiền nhưng phải bằng giá vàng tại thời điểm hiện tại, tức thời điểm trả nợ.
Trường hợp hai bên không có thoả thuận về tài sản vay/mượn:
Tại trường hợp này sẽ khó có cơ sở để xác định nghĩa vụ trả nợ của người mượn. Theo đó, các bên có thể khởi kiện ra Toà án để được xác định một cách chính xác và hợp pháp.
Mượn vàng không trả bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Như vậy, người mượn vàng nhưng không trả lại cho người cho người mượn thì sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, nếu vượt quá mức xử phạt hành chính thì ttùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người mượn tiền còn có thể bị xử lý hình sự về:
- Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015: Nếu sau khi mượn vàng mới nảy ra ý định không trả.
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015: Nếu trước khi mượn vàng đã có ý định mượn không trả và chiếm đoạt luôn của người cho mượn.
Mượn có kỳ hạn, mượn không kỳ hạn là gì?
- Theo Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:
+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
- Theo Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:
+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, nếu vay, mượn không kỳ hạn thì hai bên có quyền đòi nợ, trả nợ bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước một khoảng thời gian hợp lý, trường hợp có lãi thì chỉ được trả lãi đến thời điểm trả nợ.
Nếu vay, mượn có kỳ hạn thì bên mượn có quyền trả nợ trước thời hạn nhưng phải báo trước một khoảng thời gian hợp lý và nếu có lãi thì phải trả toàn bộ theo kỳ hạn dù cho có trả nợ trước. Còn bên cho mượn thì chỉ được đòi nợ trước hạn khi bên mượn đồng ý và chỉ được trả lãi đến thời điểm trả nợ.