Hiện nay, nhiều người đến cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính luôn cho mình ở vị trí thấp, thể hiện thái độ ‘xin – cho’ và rồi chính suy nghĩ ấy đã đẩy người dân trở thành kẻ nhỏ nhoi.
Thiết nghĩ, người dân muốn sống tốt thì phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi ‘tư duy pháp luật’ trước cơ quan công quyền.
Hãy nhìn thẳng vào bản chất vấn đề, cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải giải quyết thủ tục hành chính, công việc cho người dân… vì họ nhận tiền lương từ ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước do người dân đóng thuế mà ra. Nên không có khái niệm ‘xin – cho’ khi yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết công việc cho mình; nếu người dân cứ duy trì cách nghĩ ‘xin – cho’ thì không những làm mình nhỏ nhoi mà còn nuôi dưỡng sự hư hỏng cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Nếu người tiếp nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ, hay không giải quyết thủ tục… thì người dân phải có ‘tư duy pháp lý’ chuẩn mực để làm rõ vấn đề và bảo vệ mình cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, đó là: Căn cứ pháp lý nào để từ chối? Nêu cụ thể, giải thích rõ, hướng dẫn thủ tục chi tiết cho tôi làm…
Thật buồn vì hiện nay nhiều người dân có tâm lý sợ trước cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nói sao thì làm vậy mà không hỏi lại để giải quyết tận gốc vấn đề. Không ít trường hợp cán bộ, công chức từ chối nhận hồ sơ của người dân vì bản sao giấy tờ quá 06 tháng – đây là sự vô lý vì chẳng có văn bản pháp luật quy định như vậy, nhưng người dân cứ nghe và tốn tiền đi sao y giấy tờ. Lẽ ra, người dân phải hỏi lại: Căn cứ pháp luật nào nói bản sao giấy tờ quá 06 không còn giá trị? Chắc rằng, khi đó người tiếp nhận hồ sơ sẽ ngớ người ra mà xem!!!