Mức xử phạt vi phạm quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm

Chủ đề   RSS   
  • #605761 28/09/2023

    Mức xử phạt vi phạm quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm

     Căn cứ theo Điều 3 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm thì đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.

    1. Mức xử phạt vi phạm quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm

     Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định tại Điều 54 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể như sau:

    – Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận hoặc văn bản chứng nhận khác, văn bản cung cấp thông tin do cơ quan đăng ký cấp hoặc phiếu yêu cầu đăng ký có chứng nhận của cơ quan đăng ký;

    – Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

    – Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Cụ thể là, tịch thu tang vật là giấy chứng nhận hoặc văn bản chứng nhận khác, văn bản cung cấp thông tin do cơ quan đăng ký cấp, phiếu yêu cầu đăng ký có chứng nhận của cơ quan đăng ký, bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; phiếu yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu hoặc sổ đăng ký về biện pháp bảo đảm

    Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định tại Điều 55 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể như sau:

    – Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Thứ nhất là, hành vi khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm; hủy hoại giấy tờ, văn bản về đăng ký biện pháp bảo đảm;

    + Thứ hai là, hành vi xâm nhập trái phép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin đăng ký trong cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;

    + Thứ ba là, hành vi phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ của hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm;

    + Thứ tư là, hành vi gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tài khoản đăng ký trực tuyến của cá nhân, tổ chức để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

    – Ngoài ra, pháp luật còn đưa ra một số hình phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu hoặc sổ đăng ký về biện pháp bảo đảm. Cụ thể là sẽ tịch thu tang vật, các phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên.

    3. Các trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm

    – Thứ nhất là, đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

    – Thứ hai là, đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

    – Thứ ba là, đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

    – Thứ tư là, đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

     Việc đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin cần thiết cho Nhà nước để hoạch định các chính sách tài chính và các chính sách bảo đảm an toàn tín dụng. Điều này giúp tăng cường sự quản lý và giám sát tín dụng, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ lợi ích của cả người cho vay và người vay.

     
    232 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận