Mới đây, trên các trang báo điện tử đồng loạt đưa tin về việc phát hiện vụ chôn lấp chất thải trái phép quy mô lớn xảy ra tại Bình Dương. Theo báo VTV thì đây là bụ chôn lấp chất thải trái phép được đánh giá là quy mô lớn nhất, chưa từng có từ đến nay. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi chôn lấp rác thải trái phép và chế tài dành cho hành vi này là gì?
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định cụ thể liên quan đến yêu cầu lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở.
Đồng thời, Nghị định 45/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa mới được ban hành đã quy định cụ thể về các mức phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại trái quy định.
1. Chất thải nguy hại là gì?
Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất. Có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính nguy hại khác). Hoặc tương tác với chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Một số chất thải nguy hại thường gặp hiện nay gồm: Bình ac quy hỏng, pin hỏng; Kim tiêm đã sử dụng trong y tế; Vỏ, bao bì thuốc trừ bảo vệ thực vật.
2. Xử lý chất thải nguy hại như thế nào?
Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về xử lý chất thải phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Đáp ứng yêu cầu về cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại;
- Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định;
- Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;
- Có giấy phép môi trường;
- Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
- Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp;
- Có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động;
- Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.
3. Mức phạt hành vi chôn lấp rác thải nguy hại
Căn cứ tại Khoản 7 Điều 29 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại:
“7. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt dưới 100 kg chất thải nguy hại;
b) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 100 kg đến dưới 250 kg chất thải nguy hại;
c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 250 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại;
d) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại;
đ) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 1.000 kg đến dưới 1.500 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
e) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 1.500 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 2.000 kg đến dưới 2.500 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
h) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
i) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp đốt từ 3.000 kg chất thải nguy hại trở lên.”
Bên cạnh đó, còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng và Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính cho các hành vi vi phạm về chôn lấp trái phép các chất thải nguy hại.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm cần thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu
- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành
- Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính