Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm công tác kiêm nhiệm có được hưởng phụ cấp không? Mức phụ cấp kiêm nhiệm Hội cựu chiến binh ở cơ quan năm 2024 là bao nhiêu? Phụ cấp kiêm nhiệm có thay đổi khi thực hiện cải cách tiền lương? Sau đây sẽ là phần giải đáp cho những thắc mắc nêu trên.
(1) Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm công tác kiêm nhiệm có được hưởng phụ cấp không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNV có quy định như sau:
“Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm công tác kiêm nhiệm ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của các đoàn thể chính trị - xã hội khác.”
Theo đó, trường hợp Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh đang làm công tác kiêm nhiệm thì ngoài được hưởng lương hàng tháng còn được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của các đoàn thể chính trị - xã hội khác.
(2) Mức phụ cấp kiêm nhiệm Hội cựu chiến binh ở cơ quan năm 2024 là bao nhiêu?
Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2007/TTLT-BLĐTBXH-HCCBVN-BTC-BQP quy định về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở đặt tại Đảng uỷ khối cơ quan cấp tỉnh được biên chế cán bộ chuyên trách công tác Hội. Trong trường hợp không bố trí được cán bộ chuyên trách công tác Hội thì cán bộ kiêm nhiệm được hưởng chế độ phụ cấp như sau:
- Đối với cán bộ kiêm nhiệm công tác Hội cựu chiến binh: được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và thâm niên vượt khung (nếu có).
- Đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm nhiệm công tác Hội: thì mức phụ cấp 7% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và thâm niên vượt khung (nếu có).
- Đối với Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm nhiệm công tác Hội: thì mức phụ cấp 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và thâm niên vượt khung (nếu có).
Mức phụ cấp nêu trên được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng BHXH và BHYT. Trường hợp thôi làm công tác Hội Cựu chiến binh thì từ tháng tiếp theo thôi hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
(3) Phụ cấp kiêm nhiệm có thay đổi khi thực hiện cải cách tiền lương 01/07/2024?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP những đối tượng áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị.
Mà theo Nghị quyết 105/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2023 thì từ 01/07/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Theo đó, khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 phụ cấp kiêm nhiệm vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng.
Hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm được xác định theo Mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV như sau:
Phụ cấp kiêm nhiệm = 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Trong đó:
- Mức lương hiện hưởng = Hệ số lương*mức lương cơ sở
- Hệ số lương (được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP)
- Mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 (Nghị định 24/2023/NĐ-CP)
Như vậy, phụ cấp kiêm nhiệm sẽ được tính dựa theo công thức như sau như sau:
Mức tiền phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác
|
=
|
Hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm
|
x
|
Mức lương tối thiểu chung
|
x
|
(10%)
|
Tuy nhiên, như đã nêu trên, từ ngày 01/07/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Qua đó, sẽ thực hiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để thay thế bằng bảng lương cụ thể và đồng thời phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũng sẽ mất đi. Chính vì thế, việc cách tính phụ cấp kiêm nhiệm được theo cách trên ít nhiều sẽ có sự thay đổi.