Mức phạt nào cho hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương?

Chủ đề   RSS   
  • #592542 18/10/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81095
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Mức phạt nào cho hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương?

    Vừa qua, trên các diễn đàn đều hàng loạt đăng tin vụ việc một tài xế xe tải tạt đầu xe, không nhường đường cho xe cứu thương, hành vi này của tài xế khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, xe cứu thương đang chở gấp 1 bệnh nhân đang nguy kịch, tuy nhiên liên tục bị chiếc xe tải tạt đầu, cản trở đường đi cấp cứu.

    Dựa vào tình huống trên, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Liệu việc không nhường đường cho xe ưu tiên thì có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì bị xử lý thế nào và dẫn đến việc không kịp cấp cứu thì có phải chịu trách nhiệm không?

    Xe cứu thương đang làm nhiệm vụ được ưu tiên

    Căn cứ Điều 11 QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, cụ thể:

    Điều 11.1.3. quy định xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thì được ưu tiên.

    Theo đó, tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là:

    Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

    Bên cạnh đó, xe được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ và thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trên xe phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng.

    Điều này cũng quy định: Khi có tín hiệu ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

    Như vậy, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ thì sẽ được ưu tiên có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

    khong-nhuong-duong-xe-cuu-thuong

    Không nhường đường cho xe ưu tiên bị xử phạt như thế nào?

    Khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

    Điều khiển xe máy nhưng không nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, như sau:

    Phạt tiền từ 01-02 triệu đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

    Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01-03 tháng.

    Điều khiển xe ô tô nhưng không nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Theo điểm c khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ".

    Chế tài áp dụng dành cho người điều khiển ôtô là phạt tiền 06-08 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02-04 tháng. 

    Cản trở xe cứu thương dẫn đến bệnh nhân tử vong do không kịp cấp cứu phải chịu trách nhiệm gì?

    Trong trường hợp hành vi không nhường đường cho xe cứu thương mà gây hậu quả bệnh nhân tử vong do không được cấp cứu kịp thời thì có thể khởi tố hình sự.

    Hành vi cản trở xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu người dẫn đến hậu quả bệnh nhân tử vong do không được cấp cứu kịp thời thì người thực hiện hành vi cản trở đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

    Quy định nêu rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (khoản 1 Điều 260)… thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01-05 năm. 

    Mức phạt cao nhất đối với tài xế vi phạm có thể lên tới 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội. 

    Hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên là xe cứu thương không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện thái độ coi thường pháp luật nên cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

     
    361 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (18/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận