Sáng 4/10, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội thảo "Tác động của chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) đến DN dệt may".
Tại hội thảo Vitas và nhiều DN dệt may kiến nghị nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong vòng 1 - 2 năm để DN lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay.
Tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh
Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt vào phiên họp cuối cùng diễn ra đầu tháng 8 và đang trình Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ được áp dụng từ 1/1/2018. Thực tế trong 10 năm qua (2007 - 2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với DN trong nước và tăng 15% đối với DN nước ngoài. Điều này khiến nhiều DN gặp ít khó phải tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động. Đặc biệt, với các DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn.
Công nhân làm việc tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương, DN hiện có 15.000 lao động, với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% trong năm 2018, theo tính toán, chi phí đóng BHXH tăng theo. Mỗi tháng, DN sẽ mất thêm gần 100.000 đồng/lao động. Tính ra, mỗi năm, số tiền tăng thêm khoảng 18 tỷ đồng. Trong khi, tổng công ty có 14 DN thành viên, nhưng chỉ có 9 DN là làm ăn có lãi, còn 5 DN lỗ, hoặc hoạt động cầm chừng. Cùng chia sẽ khó khăn của DN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng, việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho DN. Do đó, ông Việt kiến nghị, không nên tăng lương liên tục như hiện nay mà nên có thời gian "nghỉ" để các DN ổn định sức sản xuất.
Bên cạnh đó, theo VITAS, việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa. DN không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm. Do đó, nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong vòng 1 - 2 năm để DN "lấy sức".
Xin nghỉ hưu sớm để "né" quy định BHXH mới
Đánh giá những tác động của các chính sách đến ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng BHXH, tăng chi phí nhân công cho DN. Qua khảo sát hơn 20 DN lớn trong ngành dệt may, chi phí của DN tăng lên rất lớn. Riêng toàn ngành dệt may, với mức lương tối thiểu tăng lên 6,5% từ năm 2018 thì chi phí đóng BHXH, BHYT của DN lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ đồng trong toàn ngành.
Công nhân làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
|
Ông Cẩm cũng cho rằng, Luật BHXH năm 2014 quy định từ ngày 1/1/2018, lao động nữ đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Tuy nhiên, với lao động nam lại có lộ trình bắt đầu từ năm 2022, đóng đủ 35 năm BHXH mới được hưởng 75% lương hưu là không hợp lý. Việc tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% lương hưu, trong khi người lao động ngành dệt may hầu hết là nữ và phải ra khỏi dây chuyền trước thời gian quy định được nghỉ hưu, do vậy không những khó đạt được mức lương hưu 75% mà mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phải trừ 2% thay vì 1% lương hưu như trước đây sẽ tác động không nhỏ đến thu nhập người lao động. Hiện đang có tình trạng, người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu thì xin nghỉ hàng loạt để không chịu tác động những quy định về BHXH từ năm 2018, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN. Vì vậy, cần bổ sung ngành dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động và nghiên cứu các quy định để người lao động không lợi dụng trợ cấp thôi việc.
Để tháo gỡ khó khăn, VITAS kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để các DN sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng nhằm bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để DN có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất giải quyết việc làm cho người lao động vùng nông thôn, miền núi.
Cải thiện đời sống công nhân trong ngành dệt may, da giày là thách thức lớn bởi họ không phải là người thiết kế mà chỉ may đo từng bộ phận của sản phẩm. Vì họ nằm trong chuỗi thấp nhất về giá trị sản phẩm nên tiền lương thấp là đương nhiên. Để tránh rủi ro liên quan đến thu nhập của công nhân dệt may, da giày, đối với những khoản phải đóng góp, Nhà nước nên cân đối và miễn giảm cho họ. Một điều rất đáng lo đối với những người lao động làm trong ngành này đó là sau một thời gian làm việc ở nhà máy nếu bị sa thải sẽ không biết đi đâu, nhất là khi trình độ tay nghề không thể thực hiện được một chiếc áo hoàn thiện. Hiện nay, đang có tình trạng lao động tuổi trên 35 bị sa thải, Nhà nước nên nắm bắt vấn đề để hỗ trợ chuyển đổi việc bằng phương thức phù hợp.
PGS.TS Giang Thanh Long
Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý
Ngành dệt may, da giày Việt Nam sử dụng nhiều lao động phổ thông dẫn đến hiệu quả và thu nhập không cao. Trong khi, ở các nước, ngành dệt may, da giày thực hiện từ công đoạn nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, sản xuất và bán sản phẩm thì chúng ta chủ yếu gia công sản phẩm.
Để cải thiện đời sống công nhân, trước hết cần đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật, quản lý. Khi chúng ta có đủ điều kiện sẽ chủ động trong nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và trực tiếp bán sản phẩm. Các DN cũng phải tập trung đổi mới quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, tiết kiệm tối đa những chi phí không cần thiết để mang lại hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của công nhân.Về phía người lao động tự nâng cao tay nghề, rất cần có nhận thức đúng về việc tham gia BHXH. Khi mức đóng BHXH tăng, sau này người lao động được hưởng lương hưu đảm bảo đủ sống.
PGS.TS Dương Văn Sao
Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn Việt Nam
Lao động ngành dệt may đang đối mặt với nhiều vấn đề như tiền lương, thu nhập còn thấp, thời gian làm thêm và tăng ca nhiều, đời sống khó khăn. Hiện nay công nhân may tại Hà Nội có thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, đáp ứng được 75 - 80% mức sống tối thiểu, không đảm bảo chi phí cho một gia đình. Với thu nhập hiện tại, rõ ràng công nhân sẽ không dễ thở chút nào, họ phải nhờ vào khoản thu nhập từ tăng ca để bù đắp thêm khoảng 22,4% tổng thu nhập. Trong khi, chi phí hàng tháng của người lao động cao hơn rất nhiều, nên với mức lương như vậy, người làm công đang phải chi tiêu hết sức chật vật, không thể tích lũy cho tương lai.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội
Nguyễn Thị Tuyến
Việc tăng lương tối thiểu vùng chưa chắc đã giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường lao động cũng mới chỉ có khoảng 9,4 triệu lao động hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu. Phần lớn người lao động ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, nên việc tăng lương sẽ gây mất công bằng trên thị trường lao động.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Trương Văn Cẩm
|