Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng đặc biệt, trong đó có các hộ gia đình làm nông nghiệp. Vậy điều kiện để người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp có thể được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT là gì? Trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ mức đóng BHYT thì mức hỗ trợ được bao nhiêu?
Mức hỗ trợ đóng BHYT của Nhà nước cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp hiện nay là bao nhiêu?
Theo Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b và c khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP có quy định về nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT gồm:
1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.
3. Học sinh, sinh viên.
4. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.
Như vậy, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình theo quy định pháp luật thì sẽ thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.
Theo điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP có quy định về chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 như sau:
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Cũng theo điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đóng BHYT cho các đối tượng, theo đó hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định này.
Từ các quy định trên cho thấy người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình theo quy định pháp luật thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp vừa nêu có mức đóng BHYT hàng tháng là bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2.340.000 đồng.
Như vậy, mức đóng BHYT hiện nay đối với đối tượng này là 4,5% x 2.340.000 = 105.300 đồng/tháng.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu ít nhất là 30% tức là 30% x 105.300 = 31.590 đồng.
Phương thức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp như thế nào?
Theo khoản 6 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định đối với các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này thì phương thức đóng BHYT như sau:
- Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện của hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của người tham gia và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 9 Điều này.