Mức bồi thường trong các vụ án oan sai được quy định thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #589942 24/08/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1703 lần


    Mức bồi thường trong các vụ án oan sai được quy định thế nào?

    Những năm gần đây, liên tiếp có nhiều vụ án oan sai gây xôn xao dư luận. Có những người đồng tình với cách giải quyết nhưng có người không. Bởi một số người cho rằng mức bồi thường oan sai như vậy chưa thật sự xứng đáng. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về mức bồi thường trong những vụ án oan sai? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề này.

    Hiện trạng

    Hiện nay, trên các trang thông tin đại chúng hàng loạt đưa tin về các vụ án oan sai gần đây cùng với mức bồi thường của nhà nước cho những người chịu án oan ấy.

    Có thể đơn cử một số vụ án oan nổi tiếng như: Vụ án oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn – người bị tù oan 10 năm về tội "Giết người"; Vụ “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, với hai lần bị kết án oan về tội "Giết người" và ông được minh oan sau hơn 17 năm ngồi tù; Vụ án oan đối với  ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh trong vụ án "Giết người, cướp của" xảy ra cách đây 46 năm và gần đây nhất là vụ của ba mẹ con bà Nguyễn Thị May hơn 30 năm bị khởi tố, tạm giam về tội Giết người.

    Theo đó, thu về nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mức bồi thường trong một vài vụ án oan sai.

    Một số cho rằng mức bồi thường như vậy là chưa thỏa đáng, có người lại cho rằng mọi việc đều đã dựa trên các căn cứ pháp luật mà xác định mức bồi thường.

    Vậy văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về vụ việc này?

    Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được Quốc hội ban hành ngày 20/06/2017 quy định về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

    Ai có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường?

    Căn cứ tại Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về quyền yêu cầu bồi thường như sau:

    Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

    -Người bị thiệt hại

    - Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại

    - Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự

    Ngoài ra, cá nhân, pháp nhân được những người có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường cũng có thể ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

    Thời hiệu yêu cầu bồi thường là bao lâu?

    Căn cứ tại Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định thì: 

    Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

    Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

    Trong đó, thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường được quy định như sau:

    - Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

    - Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

    Theo đó, người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu trên.

    muc-boi-thuong-oan-sai

    Mức bồi thường thiệt hại trong những vụ án oan sai là bao nhiêu?

    Theo Chương III Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 Thông thường, đối với các vụ án oan sai, các thiệt hại được xác định bao gồm:

    - Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

    - Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

    - Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết

    - Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm

    - Thiệt hại về tinh thần

    - Các chi phí khác được bồi thường

    Do vậy, mức bồi thường cụ thể cho các vụ án oan sai không được quy định cụ thể mà tùy vào từng vụ án với tính chất, mức độ khác nhau để xác định mức bồi thường phù hợp.

    Nhưng vẫn phải đảm bảo được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực và đúng pháp luật.

    Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự

    Căn cứ tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì  Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

    1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

    2. Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

    3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

    4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;

    5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

    6. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

    7. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;

    8. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

    9. Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

    10. Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này bị thiệt hại.

     
    921 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (24/08/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận