Thời gian gần đây, những hành vi tàn ác đối với trẻ em diễn ra rất phổ biến và ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng bạo hành đau lòng xảy ra với các em nhỏ này là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... Mà điều này, cũng bắt nguồn từ việc, các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc. Trong hầu hết các vụ việc, những người trực tiếp gây ra hành vi sai trái đều không có hiểu biết về pháp luật và đều cảm thấy sẽ không bị trừng trị hoặc hình phạt sẽ nhẹ. Một trong những điều mà cũng cần nói đến, đó là, việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em hiện nay của chúng ta mới chỉ được làm khi xảy ra sự việc đau lòng, báo chí nêu lên, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, lên tiếng. Còn trước và sau khi sự việc trôi qua thì vẫn hình thức, chưa đánh động được đến hết các bậc làm cha mẹ để họ hiểu, thực hiện. Trước thực trạng đau lòng này, để ngăn chặn có hiệu quả thì việc quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải được đẩy mạnh, sâu rộng. Cần phải tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, thậm chí đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư để họ hiểu, nhận thức rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thêm vào đó, các chế tài xử lý, khung hình phạt của chúng ta đối với các trường hợp vi phạm cần phải nghiêm minh, mang tính răn đe cao hơn nữa để mọi người khi nhìn vào đó thấy rõ, ý thức được hành động của mình. Các hành vi bạo hành đối với trẻ em, dù ở góc độ đạo lý hay pháp lý là không thể chấp nhận được và phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.