Ngày nay, hình thức mua hàng qua mạng được nhiều người chuộng hơn hết bởi những tiện tích mà nó mang lại. Nhưng thực tế đã xuất hiện chiêu thức lừa đảo của người bán nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng, đó là khi mà người mua hàng đã chuyển khoản cho người bán nhưng lại không được giao hàng. Vậy trường hợp này xử lý thế nào?
Giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản giao kết qua mạng
Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 về Hợp đồng mua bán tài sản quy định:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”
Mặt khác, tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.
|
Theo đó, việc giao kết hợp đồng thực hiện bằng hành vi giao kết qua mạng là giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Như vậy, trong trường hợp người mua đã đặt hàng trên mạng, đã chuyển tiền vào tài khoản người bán và có xác nhận giao dịch đặt hàng thành công thì được xem là hợp đồng mua bán tài sản đã được xác lập. Hợp đồng này có hiệu lực pháp luật và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo quy định tại Điều 436 Bộ luật dân sự 2015 thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng như đã thỏa thuận.
Trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ giao hàng
Căn cứ Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự quy định:
“1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
|
Căn cứ quy định trên, trường hợp người mua đã thanh toán đủ số tiền hàng nhưng người bán không giao hàng có thể xác định là người bán đã vi phạm nghĩa vụ. Và theo đó, người mua có quyền yêu cầu người bán hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao hàng hoặc hoàn trả tiền người mua đã chuyển và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Khởi kiện vụ án dân sự
Căn cứ các quy định tại Điều 186, khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người mua có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi đóng trụ sở nếu bị đơn là tổ chức để yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ nếu các bên không tự thỏa thuận được hoặc bị đơn cố tình trốn tránh. Trường hợp đơn khởi kiện hợp lệ, vụ việc sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục luật đinh. Xong, con đường khởi kiện không phải hành trình đơn giản bởi tốn kém cả về thời gian và chi phí, do vậy, khi số tiền bị mất không lớn người ta thường sẽ ngậm ngùi cho qua chứ không tiến hành khởi kiện.
Tố giác tội phạm
Nếu người vi phạm có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bên mua (xóa trang web, không thể liên lạc được, ….) thì người mua có quyền gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan có thẩm quyền tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bên bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 nếu bên bán đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc bên bán đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
…..
|
Cập nhật bởi lanbkd ngày 23/12/2019 12:04:13 CH